Gần 10 năm sau ngày “lên” thị xã, Hương Trà đã có những bước chuyển rõ nét. Tới đây, 6/15 xã, phường của địa phương sẽ sáp nhập vào TP. Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, diện mạo đô thị Hương Trà hứa hẹn đổi thay mạnh mẽ.
QL1A đoạn qua thị xã Hương Trà được nâng cấp, mở rộng
Từ hạ tầng đô thị
Những năm qua, Hương Trà tập trung quy hoạch, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng để vừa phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đồng thời chỉnh trang bộ mặt đô thị.
Nhiều công trình kết cấu hạ tầng có tính đột phá được triển khai, tạo điểm nhấn cho thị xã như dự án (DA) nâng cấp, mở rộng QL1A qua thị xã, DA xây dựng cầu Hữu Trạch, DA đường du lịch cụm điểm di tích lăng Minh Mạng - lăng Gia Long…
Đến nay, tỷ lệ đô thị hoá của thị xã đạt 75%, kết cấu hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, từ các cơ sở giáo dục, trạm y tế đến các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở.
Trong đề xuất mô hình Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc TP. Trung ương, có 13 xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã sẽ được sáp nhập vào TP. Huế. Riêng Hương Trà gồm các xã, phường: Hương Hồ, Hương Thọ, Hương An, Hương Vinh, Hương Phong và Hải Dương. Chuyển giao 6 đơn vị hành chính, “lõi” đô thị Hương Trà sẽ tập trung ở khu vực trung tâm và các xã miền núi.
Chủ tịch UBND TX. Hương Trà Hà Văn Tuấn thông tin, theo lộ trình, từ nay đến 2025, thị xã phấn đấu đưa 3 xã “lên” phường là Hương Vinh, Hương Toàn và Bình Tiến. Hiện, tỉnh đang cho lập chủ trương đầu tư để đảm bảo tiêu chí đô thị cho 3 địa phương. UBND thị xã cũng đang rà soát các tiêu chí đô thị để lập thủ tục đầu tư trình tỉnh phê duyệt.
Ngoài việc nâng dần tỷ lệ dân số đô thị hoá, “với 9 xã phường còn lại, địa phương sẽ lựa chọn mô hình đô thị hoá hợp lý, đáp ứng tiêu chí xanh-sạch-đẹp”, ông Tuấn cho hay. Đồng thời, tiến hành chỉnh trang khu trung tâm các phường xã đảm bảo các tiêu chí đô thị và từng bước hình thành “mạng liên kết không gian xanh toàn cụm đô thị trung tâm”. Để tạo cảnh quan, hệ thống công viên dọc bờ sông Bồ và sông Hương sẽ được xây dựng.
Một loạt các công trình, DA hạ tầng giao thông được lên kế hoạch đưa vào đầu tư giai đoạn 2021-2025, như tuyến đường và điện chiếu sáng dọc sông Bồ từ Tứ Hạ đến Hương Toàn để phát triển vùng phía đông; thực hiện chỉnh trang diện mạo đô thị trên trục QL1A từ Tứ Hạ đến Hương Chữ. Đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc QL49 từ cầu Tuần đến Bình Tiến để phát triển vùng núi. Mở rộng tuyến Tỉnh lộ 16 đến đường tránh để phân luồng lại giao thông đô thị và các tuyến đường ngang nối từ QL1A vào trung tâm các phường, xã: đường Thanh Lương (Hương Xuân), đường Hà Công (Hương Chữ), đường 19-5, Tỉnh lộ 8A (từ Hương Xuân về Quảng Thọ).
Đến thế mạnh công nghiệp
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu yêu cầu Hương Trà xây dựng thị xã xứng tầm đô thị động lực, là trung tâm dịch vụ - công nghiệp quan trọng phía bắc của tỉnh. Trong đó, xác định công nghiệp là khâu đột phá.
Trong định hướng phát triển KT-XH, Hương Trà sẽ phát huy mạnh mẽ hơn chức năng đô thị phía bắc của tỉnh, tạo động lực mới cho sự phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá cho vùng, tỉnh và tạo điều kiện phát triển KT-XH.
Đến nay, ngoài KCN Tứ Hạ đang đầu tư hạ tầng, cụm CN Tứ Hạ đã lấp đầy (58ha) và đang đề xuất mở rộng lên 75ha, thị xã cũng xin hình thành cụm CN tại thôn Thọ Bình (xã Bình Thành) để phát triển các lĩnh vực chế biến gỗ nhằm phát huy diện tích rừng trồng của Hương Trà, A Lưới.
Công nghiệp vật liệu xây dựng cũng là thế mạnh của thị xã. Hiện, Hương Trà có nhiều mỏ đất, đá ở Hương Vân, Hương Xuân, Hương An, Hương Chữ cung cấp cho thị trường sản lượng lớn đất đá chất lượng.
Nhờ lợi thế về đất đai, khí hậu, gần thành phố, thời gian tới, Hương Trà ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch chất lượng cao từ các vùng trồng lúa, rau màu ở đồng bằng và mở rộng vùng trồng cây ăn quả ở các xã vùng gò đồi.
Theo Chủ tịch UBND thị xã, do thu hẹp quy mô, diện tích và không còn lợi thế về phát triển du lịch, Hương Trà sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị và ưu tiên các lĩnh vực tạo được công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, với những tiềm năng, lợi thế của địa phương, thị xã sẽ tiếp tục phát triển KT-XH có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp hài hòa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo phát triển bền vững.