Trong thời gian qua mặc dù các vi phạm trật tự xây dựng mới trên địa bàn TP Hà Nội giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý không gian ngầm.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra hơn 10.530 công trình trên địa bàn thành phố, các đơn vị chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 237 trường hợp vi phạm. Các vi phạm gồm: 59 trường hợp xây dựng không phép, 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế, 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường và 71 trường hợp có các vi phạm khác. Qua tổng hợp, số lượng các vụ vi phạm trật tự xây dựng mới có xu hướng giảm, nhưng hình thức vi phạm ngày càng phức tạp hơn, khiến dư luận băn khoăn và đặt ra những câu hỏi liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, chế tài xử lý. Điển hình như tại công trình nhà ở riêng lẻ tại lô B3, số 13 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình đang gây xôn xao dư luận. Với diện tích hơn 317 m2, lô đất được cấp phép xây dựng công trình có chiều cao năm tầng nổi, một tầng lửng, nhưng có tới bốn tầng hầm, mỗi tầng hầm cao 2,4 m, trong đó tầng hầm thứ tư để xe ô-tô (áp dụng công nghệ đỗ xe thông minh); tầng hầm thứ ba, thứ hai là diện tích kho chứa, kỹ thuật và tầng hầm thứ nhất để xe máy. Trước những vấn đề dư luận đặt ra, UBND quận Ba Đình đã có những lý giải về việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình và các cơ quan chức năng đang xem xét.
Mặc dù cơ quan chức năng chưa có kết luận, nhưng từ sự việc này đã đặt ra bài toán quy hoạch không gian ngầm đô thị đang trở nên cấp thiết. Bởi nhu cầu cải tạo, xây dựng mới nhà cửa của người dân nội đô vẫn rất lớn và dự báo trong tương lai sẽ còn lớn hơn. Trong khi đó, các công trình xây dựng, nhất là các vị trí mặt đường bị giới hạn chiều cao, các chủ đầu tư sẽ tìm cách tận dụng, thậm chí vi phạm không gian ngầm. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị khuyến cáo, các quận, huyện không nên cấp phép xây dựng cho các công trình nhà ở riêng lẻ có hầm sâu, đặc biệt là các công trình trong nội đô. Hầm sâu liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, thoát nước..., tác động đến nền móng những công trình lân cận và lưu lượng xe ra, vào cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an toàn cho cụm cư dân nơi công trình đó đứng chân. Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng đề xuất: Đối với những công trình nhà ở riêng lẻ trong đô thị nên khuyến khích làm không gian bán hầm để bảo đảm các tiêu chí về xây dựng, an toàn cho chính chủ sở hữu và người dân chung quanh; không nên và không được làm những công trình có hầm sâu. Thành phố Hà Nội cần sớm hoàn thiện, ban hành đồ án quy hoạch để quản lý không gian ngầm đô thị; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các vi phạm.
Việc phát triển không gian ngầm, hệ thống giao thông dưới lòng đất là hướng đi tất yếu của các đô thị hiện đại. Hà Nội đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến đến tháng 3-2021 bắt đầu triển khai đào đường ngầm của tuyến này, đoạn từ Kim Mã đến Trần Hưng Đạo. Tại nhiều nước phát triển, không gian ngầm được tận dụng, phát huy không chỉ giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, nhất là hạn chế ùn tắc giao thông, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân. Bởi vậy, các chuyên gia quy hoạch khuyến cáo, nếu cứ cấp phép công trình ngầm cho nhà ở riêng lẻ thiếu căn cứ quy hoạch sẽ gây bất lợi cho việc phát triển không gian ngầm sau này. Hiện nay, đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000 đã hoàn chỉnh, được Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức thẩm định. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị bền vững, quy hoạch này cần được đồng bộ, tích hợp trong nội dung Quy hoạch TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.