Tỉnh Hà Nam cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam.
Thông báo nêu rõ, trong những năm qua, từ một tỉnh thuần nông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, trở thành tỉnh phát triển khá, có quy mô kinh tế ngày càng lớn: Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của Tỉnh đạt 11,14%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đến nay, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 91,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm nhanh và phát triển theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; GRDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 70 triệu đồng; Hà Nam nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong 8 tháng đầu năm 2020 thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 6,43% so với cùng kỳ, Hà Nam là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 của vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 toàn quốc. Giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tính đến ngày 20 tháng 8 năm 2020 đạt 89%, là một trong 7 địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%. Ðến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 06/06 đơn vị hành chính cấp huyện đạt huyện nông thôn mới. Cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Hà Nam còn một số tồn tại cần sớm khắc phục như: Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm; vốn Chương trình mục tiêu và vốn ODA giải ngân đạt thấp; giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa hiệu quả, thời gian giải quyết còn để kéo dài. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) kết quả còn hạn chế.
Nhất trí với báo cáo của Tỉnh và phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, trong những tháng còn lại của năm 2020 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng đề nghị Tỉnh lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm công tác sau:
Tập trung chỉ đạo quyết liệt, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút vốn các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của Tỉnh; tập trung xây dựng hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để chủ động đón dòng vốn FDI dịch chuyển đến đầu tư trên địa bàn. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để khởi công nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí nguồn lực; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Hoàn thiện và hướng dẫn triển khai thống nhất toàn tỉnh hệ thống thông tin về đầu tư, giải ngân vốn ngân sách nhà nước theo quy định để kịp thời cập nhật tình hình giải ngân, phục vụ điều hành, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công.
Người đứng đầu chính quyền các cấp tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định. Rà soát, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn còn thiếu mà khi hoàn thành có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.
Khẩn trương triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng quy hoạch khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ cho các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, giải trí, sáng tạo, văn hóa, lễ hội. Quan tâm xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy.
Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội; chú ý xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp tập trung; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường an toàn để doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tập trung phòng, chống tội phạm, tín dụng đen, tệ nạn ma túy, cờ bạc. Tăng cường đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để kịp thời giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc, khiếu kiện khi phát sinh tại cơ sở, không để trở thành điểm nóng.