Sự kiện hướng tới mục tiêu đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, loại bỏ các rào cản, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh.
Khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Sáng 25/8, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các đối tác tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020
Chương trình năm nay với thông điệp “Đột phá để phục hồi và phát triển xanh vì cuộc sống an lành”, hướng tới mục tiêu đưa ra các đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, loại bỏ các rào cản, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh
Đây là cơ hội để các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam, cụ thể là đóng góp ý tưởng, đề xuất cho Quy hoạch Điện VIII đang xây dựng hay đưa ra sáng kiến để vượt qua các rào cản khó khăn trước mắt, hiến kế lâu dài, đột phá cho các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – cơ quan điều phối VSEA, đây là lần thứ 5 chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam được tổ chức cho Việt Nam.
Diễn đàn thông tin cập nhật, các sáng kiến và những câu chuyện thực tiễn truyền cảm hứng về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới và ở Việt Nam.
Diễn đàn đã trở thành nơi kết nối tâm huyết, trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nước, người dân… mong muốn được đóng góp và hiến kế cho chính sách phát triển đột phá năng lượng sạch, kinh tế xanh của nước nhà
Chia sẻ tại buổi khai mạc Tuần lễ Năng lượng Việt Nam, bà Cecile Leroy, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay, Liên minh châu Âu hiện tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch, sẵn sàng cùng các đối tác thực hiện mục tiêu bền vững năng lượng, phát triển xanh.
“Chúng tôi đã kí nhiều thỏa thuận hợp tác với các bộ, ngành của Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng bền vững. Hiện nay EU đã hỗ trợ đối tác năng lượng Việt Nam trong chính sách, kinh nghiệm phát triển năng lượng; hợp tác cùng các tổ chức để tăng cường năng lực, nhận thức, cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng của người dân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ về mặt chuyên môn dự án, tài chính, khung pháp lý cho phục hồi và phát triển xanh”, bà Cecile Leroy nói.
Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang đẫn dầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Tại Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung và quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.
Tính đến nay, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành đạt gân 6.000 MW; trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.000 dự án với tổng công suất khoảng 700 MWp.
Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang đẫn dầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN.
Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020, nhiều sự kiện chuyên sâu khác sẽ diễn ra như: “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ”; “Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp điện mặt trời kết hợp nông nghiệp và điện mặt trời nổi”; “Chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế toàn cầu và hành động địa phương” và cuối cùng là “Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam: Những đột phá kỳ vọng”…
Sự kiện Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020 sẽ diễn ra đến 28/8/2020…/.