Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: TP. Long Xuyên cần xứng đáng với vai trò là trung tâm tổng hợp của vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 75 năm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2020).
Thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Về dân số TP. Long Xuyên đứng thứ hai vùng ĐBSCL, chỉ sau TP. Cần Thơ.
Thành phố có vị trí chiến lược trong vùng, là điểm giao thoa giữa hai khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên; nằm trên điểm giao của các tuyến giao thông trọng yếu của vùng ĐBSCL, có lợi thế kết nối thuận lợi liên vùng và quốc tế.
Đặc biệt, TP. Long Xuyên nằm trên hành lang gắn kết với 5 cửa khẩu của tỉnh An Giang, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm trên toàn quốc và duy nhất trong vùng ĐBSCL được Chính phủ chọn tập trung vốn đầu tư từ nguồn NSNN giai đoạn 2016- 2020. Với lợi thế này, An Giang vượt trội về kim ngạch xuất nhập khẩu gấp nhiều lần so với các cửa khẩu khác trong vùng (năm 2019 tổng kim ngạch biên mậu của tỉnh đạt 2,3 tỷ USD chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 10 tỉnh biên giới tiếp giáp Campuchia).
Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TP. Long Xuyên đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, năng động. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - dịch vụ trong nền kinh tế.
TP. Long Xuyên hiện là đô thị có tỷ trọng thương mại dịch vụ cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lỵ của vùng ĐBSCL (trên 80%). Cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh trong nước và thị trường khu vực, quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang đã tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị. Từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian đô thị với nhiều công trình dịch vụ công cộng, góp phần nâng cao chất lượng đô thị.
Công tác xây dựng nhà ở được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu cải thiện nhà ở cho người dân. Kiến trúc cảnh quan đô thị được chú trọng, đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hoá miệt vườn.
Là trung tâm giao thương, tiêu thụ, trung chuyển hàng hóa của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL, TP. Long Xuyên đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL.
Với những kết quả to lớn đã đạt được, TP. Long Xuyên đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hạt nhân đô thị vùng ĐBSCL
Phát biểu sau khi trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc trở thành đô thị loại I là dấu mốc quan trọng và là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Long Xuyên cũng như của cả tỉnh An Giang.
“Đây là điều kiện thuận lợi để TP. Long Xuyên phát huy được sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị, xứng đáng với vai trò là trung tâm tổng hợp của vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng nói.
Sự kiện này cũng thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ đối với những thành quả lao động sáng tạo, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang, TP. Long Xuyên.
“Thay mặt Chính phủ, tôi chúc mừng và biểu dương những nỗ lực vượt bậc và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh An Giang, TP. Long Xuyên đã đạt được trong những năm qua”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phát triển đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, là động lực chính để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội của mỗi địa phương, mỗi vùng, và cả nước.
Điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP. Long Xuyên được xác định là 1 trong 6 đô thị loại I của vùng; là trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ; trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phát triển đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chú trọng công tác quy hoạch
Để tỉnh An Giang, TP. Long Xuyên tiếp tục phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với kết quả cao nhất.
Trước mắt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đe doạ sức khoẻ, tính mạng của người dân và sự phát triển ổn định của gần như tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang, địa phương có đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu với các hoạt động kinh tế, giao lưu nhân dân diễn ra thường xuyên, phải coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch một cách hiệu quả.
“Tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch bệnh xuất hiện và lây lan trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh An Giang nói chung và TP. Long Xuyên tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Đồng thời, đảm bảo ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.
Trên cơ sở tái cấu trúc, phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác; đẩy nhanh việc lập Quy hoạch tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, gắn với quy hoạch vùng ĐBSCL và các quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch.
Sau khi có quy hoạch, tỉnh phải xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn, xác định rõ các công trình, dự án quan trọng có ý nghĩa động lực để ưu tiên huy động ngưồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phong trào; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Trước mắt, tỉnh An Giang cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành Trung ương để xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 – 2025.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh cần tập trung chủ động quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án nông nghiệp, công nghiệp – dịch vụ và đô thị. Thực hiện tốt chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để người dân đồng thuận với quá trình phát triển.
Cùng với đó, chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị gắn với ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng cơ chế phù hợp với điều kiện của địa phương để huy động các nguồn lực, đặc biệt là huy động nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế, phát triển đô thị.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, và có kế hoạch; tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
“Đặc biệt, TP. Long Xuyên cần tiếp tục phát huy những mô hình các khu dân cư đại đoàn kết; quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Chú trọng quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của tỉnh An Giang”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị, xây dựng TP. Long Xuyên thành đô thị thông minh, hiện đại, văn hóa, một thành phố bên sông thật sự lý tưởng và đáng sống.
Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Tỉnh cần quan tâm, chủ động tìm hiểu, giải quyết những vấn đề bức xúc, được người dân quan tâm, không để tạo ra các điểm nóng về trật tự, an toàn xã hội. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng để tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
“Tôi mong muốn và tin tưởng TP. Long Xuyên tiếp tục phát triển ngày càng văn minh, hiện đại để đảm đương vai trò là hạt nhân thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL để cùng tỉnh An Giang đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó Thủ tướng nói.