Xác định việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, những năm qua, huyện Trấn Yên tập trung thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Nhờ vậy, đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiệu quả.
Người dân xã Y Can tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: địa phương đã huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước được tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, kết nối cao, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước.
Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, huyện cũng thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, chuyển đổi từ thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính công trung hạn; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư công, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Rà soát, cắt giảm, giãn hoãn tiến độ các công trình, dự án chưa thực sự cấp bách và không đảm bảo khả năng cân đối vốn. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện xác định truớc hết là hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường giao thông. Do đó, mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hệ thống đường giao thông nông thôn được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân.
Trong nhiệm kỳ qua, trên địa bàn đã được nâng cấp, cải tạo hơn 43 km đường quốc lộ, tỉnh lộ, 62 km đường do huyện quản lý, 7,8 km đường đô thị thuộc trung tâm thị trấn Cổ Phúc. Ngoài ra, 100% các tuyến đường đến trung tâm các thôn, bản được kiên cố hóa; trong 5 năm, huyện đã kiên cố hóa 252 km đường giao thông nông thôn, mở mới 13,2 km đường.
Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân như: đường nối nút giao IC 12 (đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) với xã Việt Hồng; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Âu Lâu - Quy Mông; đường Hòa Cuông - Tân Hương; đường Kiên Thành - Quy Mông; đường QL37 đi cầu Rào (xã Quy Mông).
Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng trọng điểm được đầu tư như sân vận động trung tâm huyện, nhà thi đấu đa năng huyện Trấn Yên. Đặc biệt, năm 2019, cầu Cổ Phúc nối liền 2 bên bờ tả, hữu sông Hồng được khởi công xây dựng trong niềm hân hoan phấn khởi của nhân dân trong huyện.
Các dự án trọng điểm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần mở rộng, phát triển không gian đô thị, bố trí dân cư, tạo lợi thế để thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Hệ thống cấp điện, thủy lợi, nước sạch, thông tin và truyền thông tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Trong 5 năm, toàn huyện đã thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo 40 trạm biến áp, hơn 160 km đường dây cao, trung áp, hạ áp; đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 27 công trình thủy lợi; 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phục vụ nhu cầu sản xuất và nhu cầu sử dụng của người dân. Đến nay, toàn huyện có 100% số thôn, bản có điện, tổng số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh đạt 97,5%...
Giai đoạn tiếp theo, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội. Qua đó, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn huyện và hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ, có tính liên kết, kết nối cao với các địa phương trong và ngoài tỉnh, phấn đấu kiên cố hóa thêm 250 km đường giao thông nông thôn, đường vào các vùng sản xuất tập trung.
Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị thị trấn Cổ Phúc theo quy hoạch được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2025 thị trấn Cổ Phúc trở thành đô thị loại IV, 3 xã Báo Đáp, Hưng Khánh, Vân Hội đạt chuẩn đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện đến năm 2025 đạt 24,7%, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.