Cùng với sự ổn định trong phát triển kinh tế, những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bình Dương phát triển mạnh, đã thu hút nhiều động và chuyên gia đến làm việc, sinh sống, dẫn đến phát sinh nhu cầu lớn về nhà ở, tốc độ đô thị hóa nhanh.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về nhà ở lớn
Thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh, hiện Bình Dương có 424 dự án phát triển nhà ở thương mại, trong đó có 349 dự án nhà ở đang triển khai. Riêng giai đoạn 2016-2019, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định chủ trương đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư mới 131 dự án với quy mô sử dụng đất khoảng 774,74 ha, tương đương phát triển thêm tổng diện tích khoảng 8,75 triệu m² sàn. Tuy nhiên, cùng với sự ổn định trong phát triển kinh tế, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, đã thu hút nhiều động và chuyên gia đến làm việc, sinh sống, dẫn đến phát sinh nhu cầu lớn về nhà ở, tốc độ đô thị hóa nhanh.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, bên cạnh những dự án nhà phố liền kề, đã xuất hiện nhiều dự án bất động sản đầu tư xây dựng chung cư cao tầng đa dạng trong phân khúc chung cư cao cấp, trung bình và chung cư nhà ở xã hội. Việc đầu tư xây dựng nhiều nhà chung cư đã góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất tại đô thị, tiết kiệm quỹ đất để dành cho sự phát triển không gian công cộng đô thị (công viên, trường học, trung tâm thương mại, bãi đậu xe công cộng...) đã tạo điểm nhấn trong quá trình phát triển đô thị tại Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại, tiến đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh trong tương lai.
Nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương là rất lớn.
Nếu như trước đây, các dự án nhà ở chung cư chủ yếu phát triển tại các địa bàn đô thị trung tâm của tỉnh (thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An) và do các tập đoàn đầu tư bất động sản (BĐS) nước ngoài đầu tư, thì hiện nay, các doanh nghiệp BĐS trong nước cũng tham gia phát triển phân khúc này. Tổng số dự án nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương tính đến 2019 là 30 dự án. Đa số chung cư được xây dựng từ sau những năm 2000, còn trong niên hạn sử dụng.
Mô hình phát triển đô thị tại Bình Dương có một đặc trưng riêng, phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Sự phát triển các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân đông đúc từ nhiều nơi chuyển về làm việc và sinh sống với tỷ lệ người dân nhập cư chiếm trên 52% dân số toàn tỉnh. Do đó, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương là rất lớn. Tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã có những chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, tỉnh đã thu hút được 86 dự án phát triển nhà ở xã hội các loại với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 199,77ha, tương đương với 3,9 triệu m2 sàn xây dựng (trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội, với diện tích khoảng 3 triệu m2 sàn nhà ở). Bố trí để xây dựng nhà ở cho công nhân tại địa bàn huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, Tân Uyên và thành phố Thủ Dầu Một. Đây là mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội trên quỹ đất sạch đã được đầu tư hạ tầng và đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động. Chỉ trong giai đoạn 2015-2019, Bình Dương đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng được khoảng hơn 1,3 triệu m2 sàn nhà ở dành cho các đối tượng là người lao động nói chung, đạt khoảng 65% so với chương trình, kế hoạch đã đặt ra.
Thị trường bất động sản dần ổn định
Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bình Dương, đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) của tỉnh đã có sự phục hồi. Mặt bằng giá nhà ở có xu hướng giảm đầu quý II, dần ổn định cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội dần khởi động trở lại.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, đến nay, thị trường BĐS của tỉnh đã có sự phục hồi.
Cũng theo ông Ngân, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra các dự án theo chương trình kế hoạch năm 2020. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra đối với các dự án chậm triển khai, đã trải qua thời gian từ 5 - 10 năm do gặp khó khăn về đền bù giải tỏa, tài chính. Trường hợp các dự án không thể triển khai thực hiện, sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho phép xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, thanh tra các dự án trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với chủ đầu tư các dự án thực hiện việc huy động vốn, rao bán không đúng quy định; các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền… để diện mạo đô thị của tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn theo đúng quy hoạch.
Ngoài ra, Sở Xây dựng sẽ kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án BĐS đã được phê duyệt, các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn, các dự án BĐS đủ điều kiện chuyển nhượng… để ngăn ngừa hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá BĐS. Đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư kinh doanh BĐS có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật, đưa thông tin về quy hoạch, thông tin về dự án và giá BĐS… sai sự thật để trục lợi trên địa bàn tỉnh.