Quảng Ninh: Chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Thứ năm, 23/07/2020 14:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh đã, đang được tỉnh thực hiện với cách làm rất bài bản, cụ thể. Qua đó, hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ, nâng cao các tiện ích xã hội, đáp ứng tốt nhất những nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh điều hành, giám sát hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Đề án Xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh được triển khai từ rất sớm (năm 2012), đã tạo tiền đề quan trọng để hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tỉnh. Từ Đề án này, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong của cả nước thực hiện đầu tư mạnh mẽ cho CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước.

Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay bộ thủ tục hành chính (TTHC) của 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) của Quảng Ninh đã được hoàn thiện, chuẩn hóa 13 trung tâm hành chính công cấp huyện, 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với hạ tầng CNTT đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở rộng, hoàn thiện mạng diện rộng WAN của tỉnh đến cấp xã với 342 đơn vị, 345 đường truyền. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đến cấp xã với 239 điểm cầu đảm bảo chất lượng HD để tổ chức các cuộc họp trực tuyến trên toàn tỉnh.

Với hạ tầng công nghệ được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện để các cấp chính quyền trong tỉnh thực hiện thuận lợi và đáp ứng hiệu quả yêu cầu công việc, cũng như đáp ứng cao nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã cung cấp tại tất cả các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Từ năm 2019 Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi nhận tài liệu qua môi trường mạng. Hàng năm có trên 50.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; 1,2 triệu văn bản được trao đổi văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng trên 900 đơn vị trong tỉnh. Tỉnh cũng là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Từ nền tảng chính quyền điện tử, năm 2016, Đề án xây dựng thành phố thông minh được tỉnh phê duyệt. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố thông minh bắt đầu được triển khai quyết liệt trong hệ thống chính trị.

Theo đó, năm 2019 tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh đặt tại trụ sở HĐND, UBND tỉnh. Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp. Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng app Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động.

 

Bệnh Viện Sản Nhi Quảng Ninh áp dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận hồ sơ của người khám, chữa bệnh.

Cùng với đó, một số lĩnh vực dịch vụ công quan trọng đã được quan tâm phát triển. Điển hình, trong lĩnh vực y tế, tỉnh xây dựng 3 bệnh viện thông minh (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi) hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Việc cung cấp dịch vụ y tế thông minh từ “thụ động” chuyển sang hướng “chủ động”. Công tác quản lý, khám chữa bệnh được nâng cao; giảm thời gian, chi phí cho người bệnh; được người dân đánh giá tích cực, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh triển khai 3 dự án về xây dựng trường, lớp học thông minh. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 46 trường/551 lớp học tiên tiến, thông minh, mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng như trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.

Đối với lĩnh vực môi trường, tỉnh đã xây dựng 86 trạm quan trắc, nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, quản lý được chất lượng nước thải, khói bụi, không khí, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tính minh bạch, yêu cầu thông tin của người dân.

Lĩnh vực du lịch, tỉnh đầu tư hệ thống wifi miễn phí trên địa bàn với 109 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ.

Để đảm bảo việc vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, đáp ứng các yêu cầu kết nối với Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2020, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về thông tin kết nối hệ thống đối với 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; hệ thống quan trắc môi trường tự động; hệ thống camera thuộc các lĩnh vực hành chính công, tiếp công dân và camera cửa khẩu; ứng dụng họp thông minh; ứng dụng app Smart Quảng Ninh. Quảng Ninh đang xin ý kiến của các cấp để triển khai Đề án chính quyền số, giai đoạn 2020-2025. Qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Nguồn: Quangninh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)