Làm việc trong các nghề như xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư, tư vấn & thiết kế, môi trường, cấp thoát nước, công viên cây xanh, chiếu sáng đô thị, Khảo sát đo đạc… hầu hết công nhân lao động ngành Xây dựng Hà Nội thường xuyên phải làm việc vào ban đêm, ngoài trời, trên cao, dưới lòng đất trong môi trường bụi, ồn… có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và tai nạn giao thông. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, các cấp Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động.
Nâng cao nhận thức về lao động an toàn
Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, để công tác an toàn vệ sinh lao động được thực hiện hiệu quả thì việc tuyên truyền huấn luyện, nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho cả chủ doanh nghiệp và người lao động là hết sức cần thiết. Chính bởi vậy, những năm qua, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn chú trọng tổ chức tuyên truyền huấn luyện kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn, mạng lưới An toàn vệ sinh viên, người sử dụng lao động và người lao động.
Riêng trong năm 2019, Công đoàn ngành đã phối hợp với Trường trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội tổ chức lớp tập huấn, phát chứng chỉ cho gần 100 cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Thực hiện chỉ đạo của Công đoàn ngành, các công đoàn cơ sở đã tổ chức 35 lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 2.925 cán bộ quản lý và người lao động.
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thăm hỏi, động viên công nhân trong ngành làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng
Chú trọng kiểm tra an toàn vệ sinh lao động
Thông qua công tác tuyên truyền, huấn luyện đã góp phần nâng cao đáng kể nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động. Đây có lẽ là một trong những lý do để phong trào “Xanh - Sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” được triển khai rộng khắp tại các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành và đạt những kết quả đáng ghi nhận, điển hình như tại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Vườn thú Hà Nội, Nước sạch Hà Đông, Chiếu sáng và thiết bị đô thị, Công viên cây xanh và Công ty Cổ phần môi trường Tây Đô...
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, song song với tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cũng chú trọng công tác kiểm tra và tự kiểm tra về thực hiện an toàn vệ sinh lao động. “Năm qua, Công đoàn Ngành đã tổ chức khảo sát và chấm điểm phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động theo Chỉ thị số 05/TLĐ tại 08 cơ sở (trong đó có 03 cơ sở ngoài Nhà nước).Các đơn vị còn lại tự kiểm tra, chấm điểm theo hướng dẫn. Kết quả không có đơn vị yếu kém”- bà Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thanh, qua kiểm tra và báo cáo tự kiểm tra từ cơ sở cho thấy đa số các doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động. Các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được đăng ký, đăng kiểm theo quy định, có nội quy, quy trình về sử dụng và vận hành;
Công tác vệ sinh công nghiệp tại mặt bằng sản xuất, biển báo, rào ngăn nơi có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động được thực hiện tương đối tốt; Thiết bị phòng cháy chữa cháy và tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy được trang bị; Mạng lưới an toàn viên ở các công ty nhà nước và công ty có cổ phần của Nhà nước được thành lập đầy đủ và hoạt động có hiệu quả…
Các đơn vị làm tốt công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động là: Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, Vườn thú Hà Nội, Chiếu sáng và thiết bị đô thị, Nước sạch Hà Nội, Thoát nước Hà Nội, Nước sạch Hà Đông... “Tại các buổi kiểm tra, các cấp Công đoàn đã đóng góp nhiều ý kiến giúp cơ sở khắc phục tồn tại như: Hoàn chỉnh hồ sơ, sổ sách, ghi chép về công tác an toàn vệ sinh lao động theo các quy định hiện hành mà cơ sở thực hiện chưa đúng, chưa đủ; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành...”- bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Thực hiện hiệu quả Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động
Mặc dù được quan tâm, triển khai thường xuyên, liên tục song các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, chăm lo sức khỏe cho người lao động được các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đẩy lên thành cao trào, điểm nhấn vào Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (tháng 5) hàng năm. Năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động trong ngành Xây dựng Hà Nội được chuyển hướng đi vào chiều sâu.
Theo đó, Công đoàn Ngành đã phối hợp với Giám đốc Sở Xây dựng, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động như: tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động thông qua hệ thống bảng tin, loa đài, băng rôn, khẩu hiệu tờ rơi... Các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý về công tác an toàn vệ sinh lao động;
Thành lập, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tổ chức tự kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động; kiến nghị với Người sử dụng lao động quan tâm đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị, cải tiến điều kiện lao động và có biện pháp xử lý kịp thời các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định; chăm lo, hỗ trợ người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp….
“Nhờ những biện pháp tích cực như trên nên cơ bản công tác an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp thuộc ngành được thực hiện tương đối hiệu quả, môi trường làm việc của người lao động cơ bản được cải thiện, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động”- Bà Nguyễn Thanh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Trong thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại hình sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Ngành sẽ chú trọng huấn luyện về an toàn lao động đối với những người lao động mới tuyển dụng và những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cao, dưới mương, sông, cống ngầm...
Đồng thời, Công đoàn ngành cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các công trường xây dựng, nhà máy sản xuất qua đó chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót để đảm bảo tốt hơn nữa điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động.