Nhiệm kỳ qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản của huyện Thanh Trì cũng gặp không ít khó khăn nhưng huyện đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đã thu được kết quả nổi bật.
Nhiệm kỳ vừa qua, tổng nguồn vốn ngân sách đã huy động, bố trí cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện khoảng 3.256 tỷ đồng, tăng 60% so với nhiệm kỳ trước, phân bổ cho hơn 160 dự án, trong đó: 1.613 tỷ đồng bố trí vốn thực hiện các dự án phát triển hạ tầng khung; 1.641 tỷ đồng bố trí vốn thực hiện các dự án hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH. Với nguồn lực đầu tư này, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH của huyện đã từng bước được đầu tư theo hướng đô thị, đồng bộ, hiện đại: Hệ thống giao thông đô thị được đầu tư mở rộng, xây mới theo quy hoạch (đã đầu tư xây mới 13 tuyến đường với tổng số khoảng 21,5km; cải tạo nâng cấp 11 tuyến đường), hình thành một số tuyến đường gia thông chính kết nối với các khu vực lân cận; các tuyến đường liên xã và đường ngõ xóm được cứng hóa, đầu tư đồng bộ cùng với hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước. Đến năm 2020, toàn huyện đã có hơn 250km đường giao thông nông thôn được cứng hóa. Xây mới 10 trường, nâng cấp, mở rộng 11 trường học với hơn 273 phòng học tăng thêm, sửa chữa chống xuống cấp cho hơn 40 trường đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học. Xây mới, cải tạo 8 nhà văn hóa tại các thôn, tổ dân phố; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ 1 khu tái định cư và 7 khu đất đấu giá để phát triển các khu đất mới theo hướng đô thị. Đồng thời, đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư khoảng 14 khu đất đấu giá tiếp theo để từng bước hình thành các khu đô thị mới…
Năm 2017, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Năm 2019, huyện được Thành phố phê duyệt Đề án đầu tư, xây dựng huyện phát triển thành quận đến năm 2025. Theo Đề án, huyện còn 2 tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật chưa đạt theo quy định, cần tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện là: Tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị và Tiêu chí đất cây xanh công cộng trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách huyện dự khiến khoảng 7.700 tỷ đồng, nhiều gấp 2 lần so với nhiệm kỳ qua, thực hiện đầu tư cho hơn 130 dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội, gồm: 15 dự án xây dựng các khu hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá, khu đất tái định cư; 34 dự án giao thông, trong đó, có 14 dự án xây mới các tuyến đường có mặt cắt ≥ 16, theo quy hoạch; 36 dự án xây mới, nâng cấp, mở rộng và cải tạo nhà văn hóa; 12 trung tâm văn hóa, sân tập luyện thể thao tại các xã; 38 dự án trường học…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản, phấn đấu hoàn thành mục tiêu và khâu đột phá thứ hai của huyện trong nhiệm kỳ tới, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các dự án giao thông, các dự án góp phần tăng diện tích đất cây xanh công cộng…Thứ hai, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chất lượng, đúng quy định của Luật đầu tư công. Phân bổ kế hoạch vốn hàng năm tập trung, không dàn trải, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở hồ sơ thủ tục các dự án đủ điều kiện. Định kỳ tháng, quý giao ban xây dựng cơ bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, sớm hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác GPMB: Thường xuyên tiến hành giao ban, kiểm đếm, đôn đốc tiến độ GPMB; xác định cụ thể, chính xác đối với từng trường hợp khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị TP xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ dân trong diện GPMB hiểu, đồng thuận và chấp hành chủ trương GPMB của Nhà nước. Thực hiện công tác GPMB công khai, minh bạch theo đúng pháp luật, đảm bảo công bằng, chính xác.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình nhất là chất lượng đầu vào các nguyên vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng; tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật trong quá trình thi công xây dựng các công trình. Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động và đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các dự án trong kế hoạch đã giao: Đề xuất thành phố có cơ chế đặc thù như phân cấp cho huyện hưởng tỷ lệ điều tiết 100% tiền sử dụng đất của dự án được giao đất trên địa bàn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu tái định cư để phục vụ công tác GPMB, các khu đấu giá quyền sử dụng đất để tổ chức đấu giá tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển; Tiếp tục rà soát, đề xuất các khu đất trên địa bàn có quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Ngoài ra, tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện về nguồn lực của TP cũng như đề nghị Thành phố có cơ chế đặc thù khi thực hiện các dự án trên địa bàn huyện, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền đấu tư và quản lý của Thành phố để sớm hoàn thành tiêu chí đường giao thông theo đề án phát triển thành quận.