Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc

Thứ hai, 15/06/2020 13:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch, lập dự án về xây dựng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn thu cho ngân sách, phân bổ và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư; tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị…Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.

 

Một góc khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên

Nghị quyết 04, ngày 20/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025 đã xác định mục tiêu: Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trọng điểm.

Đến năm 2025, tiếp tục đầu tư tập trung kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I theo hướng đồng bộ, hiện đại, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 04, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch đảm bảo đồng bộ, phù hợp các quy định mới ban hành của pháp luật cũng như quy hoạch cấp cao được phê duyệt.

Đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bám sát các mục tiêu, định hướng trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao quá trình triển khai công tác quy hoạch; các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị.

Phân cấp quản lý, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trật tự đô thị từ huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về quy hoạch đô thị, chế độ sử dụng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc chấp hành các quy định về trật tự đô thị, văn minh đô thị…

Triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn thu cho ngân sách, đặc biệt là việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh để thu hút vốn đầu tư; đổi mới, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư; tăng cường các kênh đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, gắn với đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ban hành cơ chế, chính sách, hỗ trợ để khuyến khích, thu hút, khai thác, huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho các công trình thiết yếu, quan trọng của tỉnh. Tổ chức phân bổ vốn đầu tư kịp thời, hiệu quả, tập trung vào các công trình, dự án quan trọng, cấp bách.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tập trung ngân sách bố trí thực hiện 64 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, bao gồm: 47 dự án hạ tầng kỹ thuật; 2 dự án kiến trúc cảnh quan; 15 dự án hạ tầng xã hội.

Trong đó, nhiều dự án được triển khai đang tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc như: Đường giao thông đô thị kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc; đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đoạn từ Quốc lộ 2 đến đường Tôn Đức Thắng; đường vành đai 3; đường vành đai 4 tỉnh Vĩnh Phúc…

Các dự án hạ tầng xã hội: Trường chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện sản nhi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; khu công viên vui chơi giải trí thành phố Vĩnh Yên; công viên cây xanh huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Yên Lạc…dự án kiến trúc cảnh quan: Hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B; dự án chỉnh trang đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên…

Tính trong giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã bố trí tổng nguồn vốn đầu tư công cho hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị là hơn 8.300 tỷ đồng; gần 6.000 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách khác như: Tăng thu, tiết kiệm chi, cải cách tiền lương, đấu giá Khu công nghiệp Bá Thiện, nguồn ngân sách cấp huyện…; gần 600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương; hàng nghìn tỷ đồng nguồn vốn ODA và gần 33 nghìn tỷ đồng vốn doanh nghiệp đầu tư cho các khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ, du lịch…

Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế -văn hóa, chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện.

Qua đánh giá của UBND tỉnh, hiện cơ bản các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đang được triển khai có hiệu quả. Hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng đồng bộ, hiện đại, vóc dáng của đô thị loại I, thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương đang ngày càng hiển hiện rõ nét hơn.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)