Sáng 5/6, Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường (Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Quản lý và xử lý chất thải rắn xây dựng hướng đến phát triển bền vững”. Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6).
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, đại diện của một số bộ, ngành chức năng nhận định, thực trạng về quản lý và xử lý chất thải nói chung, chất thải rắn xây dựng (CTRXD) nói riêng đang là vấn đề nóng, nhức nhối của đời sống kinh tế xã hội Việt Nam.
Chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê sơ bộ UBND Thành phố Hà Nội, mỗi ngày Thành phố phát sinh khoảng trên 2.000 tấn CTRXD. Lâu nay, không ít chủ đầu tư đã tìm mọi cách để giảm chi phí xử lý chất thải nên đã đổ trộm CTRXD ra đường, khu vực ít dân cư, khu vực có nhiều ao hồ… Điều này đã gây ra nhiều hệ luỵ đối với xã hội như mất vệ sinh, ô nhiễm, bụi bẩn, ảnh hưởng tới cảnh quan Thành phố, đến sự phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai.
Một số ý kiến nhận định, hiện nay, CTRXD sau khi phá dỡ thu gom không được phân loại, đa số chưa qua xử lý đã được các đơn vị đem đi san lấp dẫn đến không bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Việc san lấp không phải lúc nào cũng tuân thủ đúng quy định của pháp luật như nơi san lấp, yêu cầu về môi trường trong quá trình san lấp…
Từ những hậu quả của việc đổ bỏ bừa bãi, xử lý không tốt vấn đề CTRXD, tại Tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác xử lý CTRXD, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố phát triển, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, song phải kéo giảm được chi phí xử lý xuống mức thấp nhất, trong quá trình xử lý, phải hạn chế tối đa phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp như bụi, bụi mịn, tiếng ồn... Phải hướng mạnh tới công nghệ hiện đại trong phân loại, nghiền sàng, tái chế thành vật liệu mới hoặc sử dụng chế phẩm vào công việc khác đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Phải giải được các bài toán cùng một lúc, đó là: Chi phí thấp nhất; tận dụng được nguyên liệu tái chế để thay thế các nguồn nguyên liệu khác đang cạn kiệt; góp phần xử lý tình trạng quá tải tại các bãi tập kết chất thải xây dựng; giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái.
Một số ý kiến cũng đề xuất cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền về hậu quả của việc đổ bỏ CTRXD không đúng quy định đi liền với đó là tổ chức các đợt ra quân, xử lý nghiêm tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuống hành lang đường bộ, hệ thống đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp và ra môi trường nói chung…