TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học cao nhưng việc đầu tư để phát triển mảng xanh (công viên, cây xanh) còn rất hạn chế so với yêu cầu thực tế. Để góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp đột phá để xây dựng, phát triển công viên và tạo lập mảng xanh đô thị…
Một góc Công viên 30-4 (quận 1).
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 508,561 ha đất công viên với 405 công viên, bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu ở. Với hơn 508 ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của thành phố đạt bình quân 0,55 m2/người (trên quy mô dân số chín triệu người). Chỉ tiêu này không đạt quy chuẩn của Bộ Xây dựng về quy hoạch xây dựng tối thiểu là 2 m2/người đối với đất cây xanh sử dụng công cộng tại đơn vị (công viên khu dân cư) và hơn 7 m2/người đối với đất cây xanh sử dụng công cộng tại đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh.
Ghi nhận thực tế trên địa bàn thành phố, các công viên lớn với nhiều mảng xanh công cộng hầu hết tập trung ở nội thành và khu trung tâm như các công viên Tao Đàn, 30-4, 23-9, Lê Văn Tám (quận 1); công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình); công viên Gia Định (quận Phú Nhuận); công viên Văn Lang (quận 5); công viên Phú Lâm (quận 6)… các công viên này tồn tại và có thời gian hình thành từ rất lâu với mảng xanh lớn, nhiều chủng loại cây quý hiếm vừa góp phần giữ “lá phổi” cho thành phố, vừa tạo không gian cho người dân sinh hoạt, vui chơi.
Ông Nguyễn Văn Sanh, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh cho biết, mỗi sáng ông cùng vợ đi xe máy từ nhà ra công viên Tao Đàn tập thể dục vì ở đây không gian thoáng đãng, được hít thở không khí trong lành, gần nhà ông rất khó tìm được một công viên để thư giãn.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) Vũ Văn Điệp, hiện nay, việc phân bổ công viên trên địa bàn thành phố không đồng đều. Các quận nội thành, trung tâm lại là nơi có số lượng, diện tích công viên quy mô lớn; trong khi các quận mới, các huyện ở khu vực ngoại thành có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn nhưng thực tế đất công viên lại rất hạn chế. Các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi nằm ở vùng ven nhưng chưa có một công viên công cộng nào có diện tích lớn. Hạn chế này đã ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân vùng ven.
Thống kê của Sở Xây dựng thành phố cho thấy, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn thành phố trong các đồ án quy hoạch là hơn 11.400 ha, tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người, nhưng thực tế hiện nay, tổng diện tích công viên hiện hữu chỉ khoảng 500 ha, tương ứng với tỷ lệ 0,5 m2 cây xanh/người. Bên cạnh việc chậm thực hiện các quy hoạch được phê duyệt, thành phố cũng chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất quy hoạch công viên, nhất là đối với các công viên có diện tích lớn. Bảy năm gần đây, thành phố mới đầu tư hình thành thêm được 10,78 ha công viên công cộng. Với tốc độ đầu tư như hiện nay (trung bình 1,54 ha/năm) thì thành phố sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phủ xanh khoảng gần 10.000 ha đất công viên còn lại trên địa bàn. Đối với các khu nhà ở, nhất là tại các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh và số lượng dự án khu dân cư lớn như các quận 2, 7, 9 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, số lượng công viên đã xây dựng xong, bàn giao Nhà nước quản lý rất hạn chế. Theo quy định, trong các khu nhà ở đều phải quy hoạch diện tích dành cho công viên công cộng.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, nhiều dự án được xây dựng, khai thác và có đông người dân vào sinh sống nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng sống và việc thụ hưởng tiện ích trong khu nhà ở của người dân. Một số trường hợp chủ đầu tư cố tình không đền bù giải tỏa đất xây dựng công viên, hoặc điều chỉnh đất công viên cây xanh thành loại đất khác…
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, trước những đòi hỏi đặt ra để phát triển mảng xanh cho thành phố, chính quyền và các ngành chức năng của thành phố cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả không chỉ để giải quyết trước mắt chỉ tiêu đất công viên cây xanh mà quan trọng hơn là quyết tâm triển khai các quy hoạch được duyệt, xóa quy hoạch “treo”. Cùng với đó, thành phố cần có cơ chế đột phá để tạo kinh phí, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư, duy trì công viên cây xanh theo quy hoạch, góp phần tạo một môi trường sống chất lượng và văn minh. Sở Xây dựng thành phố sớm thực hiện rà soát, lập danh mục, cập nhật nguồn gốc toàn bộ các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án xây dựng các cấp (1/5.000, 1/2.000). Theo đó, tùy theo tính chất khu đất sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền việc lập dự án xây dựng công viên, hoặc kêu gọi đầu tư…
Hiện, diện tích đất công viên công cộng tại khu vực nội thành cũ (13 quận) là 251,28 ha, chiếm tỷ lệ 49,41% toàn thành phố (đạt bình quân 0,62 m2/người). Tại năm huyện ngoại thành, diện tích đất công viên công cộng chỉ có 59,41 ha, chiếm tỷ lệ 11,75% toàn thành phố (đạt bình quân 0,3 m2/người). Đây chính là nghịch lý trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch công viên của thành phố.