Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo, năm 2020 tiếp tục là năm có thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường, nắng nóng xuất hiện nhiều hơn kèm theo đó là những trận mưa lớn có thể xảy ra. Để chủ động trong đảm bảo công tác thoát nước, chống úng ngập, Thành phố sẽ triển khai các biện pháp cụ thể để giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ trên địa bàn.
Hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km2; hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục được Thành phố phê duyệt bao gồm: 5.735,44 km cống rãnh; 254,2km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 110.025 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính; 05 nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được phân chia thành các khu vực thoát nước chính như sau: Khu vực Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5km2 bao gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân.
Khu vực Tả Nhuệ có diện tích khoảng 58km2 gồm khu vực Quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và một phần Quận Tây Hồ, Huyện Thanh Trì.
Hệ thống thoát nước khu vực Tả Nhuệ (từ Sông Tô Lịch đến Sông Nhuệ) có trục thoát nước chính là các tuyến mương Kênh tiêu Hà Nội, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 có hướng thoát ra sông Nhuệ và cống hóa mương Nghĩa Tân có hướng thoát ra Sông Tô Lịch.
Khu vực Hữu Nhuệ - quận Hà Đông có diện tích khoảng 52 km2 gồm một phần khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (bao gồm Sông Nhuệ, Sông Đáy): Trục thoát nước chính là sông Nhuệ và sông Đáy.
Khu vực Hà Đông có diện tích khoảng 47km2, là hệ thống thoát chung với 02 nguồn tiêu chính là thoát vào kênh Ba La ra trạm bơm Khe Tang và thoát vào kênh La Khê ra trạm bơm Yên Nghĩa; Khu vực Long Biên có diện tích khoảng 62km2, trục thoát nước chính là sông Cầu Bây.
Qua thực tế theo dõi các trận mưa trong những năm qua (từ năm 2016 đến 2019) với các trận mưa có lượng mưa từ (50 + 100)mm/2h: Trước đây, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành tồn tại 18 điểm úng ngập cục bộ. Ngoài ra, việc tiếp nhận bàn giao quản lý duy trì sau đầu tư theo phân cấp: Còn tồn tại các điểm ngập cục bộ trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), Quốc lộ 32, Quốc lộ 21B trên đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn Ngã ba Thiên đường Bảo Sơn - vành đai 3,5 Lê Trọng Tấn Geleximco và tại một số vị trí hầm chui dân sinh khác tại km8+350, km9+800, km10+56, km 10+325, km11+00). Đây là những tuyến mới được tiếp nhận bàn giao theo phân cấp, hệ thống thoát nước hiện trạng hoạt động kém chưa đồng bộ, nhiều đoạn đã xuống cấp, một số vị trí, khu vực chưa có hệ thống thoát nước đô thị gây nên tình trạng úng ngập cục bộ.
Nguyên nhân do hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai Tây Hồ, và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2ngày, còn lại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước như khu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Khu vực Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần Bắc Từ Liêm và các khu vực đô thị mới vẫn còn tình trạng úng ngập cục bộ khi có mưa lớn do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng hệ thống hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ theo Quy hoạch được phê duyệt. Hơn nữa một số trạm bơm tiêu chính và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa, trạm bơm Liên Mạc (giai đoạn 1 là 90m3/s), trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s, trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (tổng công suất 65m3/s) chưa được đầu tư xây dựng, sông Nhuệ và hệ thống kênh xả kênh dẫn về các trạm bơm chưa được cải tạo, nạo vét và kè đến cốt thiết kế cũng là những nguyên nhân chính không đảm bảo được công tác thoát nước cho Thành phố.
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tập trung chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nghiên cứu các giải pháp xử lý triệt để các điểm đen về úng ngập cục bộ trên các tuyến phố chính. Năm 2017: đã xóa bỏ được 02/18 điểm ngập đã tồn tại nhiều năm trên địa bàn Thành phố; còn tồn tại 16 điểm úng ngập. Năm 2018, 2019: đã cải tạo thoát nước tại 02/16 điểm ngập như: (1) đường Giải Phóng - đoạn bến xe phía Nam, (2) Phố Nguyễn Chính (đã cơ bản giảm thiểu úng ngập, tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi, đánh giá trong năm 2020). Ngoài ra, một số dự án đang được các chủ đầu tư triên khai thi công sau khi hoàn thành sẽ xóa bỏ hoặc giảm thiểu các điểm úng ngập trên các phố cụ thể: gồm 02 Dự án: Phố Đội Cấn, Đường Phạm Văn Đồng - Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đã cơ bản hoàn thành, cần theo dõi tình hình thoát nước trong năm 2020; Phố Nguyễn Khuyến do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư; Phố Trường Chinh, phố Minh Khai thuộc dự án đường vành đai II đang thi công, khi hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo công tác thoát nước cho Thành phố.
Dự báo, năm 2020, với cường độ mưa trong khoảng từ (50- 100)mm/2h, các tuyến phố chính vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập. Một số điểm ngập cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp như: các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), Quốc lộ 32, Quốc lộ 21B..., trên đường gom Đại lộ Thăng Long (Hầm chui Ngã ba Thiên đường Bảo Sơn - vành đai 3,5 đường Lê Trọng Tấn Geleximco và tại một số vị trí hầm chui dân sinh... sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và các phương tiện tham gia giao thông.
Do đó, Sở Xây dựng sẽ bảo đảm thoát nước nhanh về các nguồn tiêu với trận mưa có cường độ <100mm/2h (đối với hệ thống cống); <310mm/2 ngày (đối với toàn bộ hệ thống) để có giải pháp tiêu thoát kịp thời tại khu vực nội thành; giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ về mức độ ngập và thời gian úng ngập. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vận hành, duy tu mương, sông, hồ đảm bảo thoát nước và vệ sinh môi trường; chủ động, sẵn sàng đối phó với các trận mưa theo từng tình huống cụ thể, kể cả các trận mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước; phát huy hiệu quả cao nhất các thiết bị, công trình thoát nước; vận hành an toàn phương tiện, thiết bị hiện có để chống úng ngập, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo ATGT, giảm thiểu thiệt hại do mưa và úng ngập gây ra trong khu vực nội thành.