Hoàn Kiếm tập trung phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng hiện đại

Thứ sáu, 15/05/2020 11:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Với tinh thần chủ động, quyết liệt, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm nhanh chóng triển khai các giải pháp khôi phục kinh tế, đồng thời tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng quận ngày càng giàu, đẹp, văn minh, hiện đại.

Nhà Hát Lớn, điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Kích cầu du lịch trong nước, tăng nguồn thu ngân sách

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm kinh tế, văn hoá, du lịch của Thủ đô. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, đây là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hoạt động du lịch, kinh doanh và giao thương hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trên địa bàn phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, do thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu. Tính đến ngày 15-4, có 584 hộ kinh doanh và 218 doanh nghiệp đã ngừng kinh doanh và giải thể; 216 doanh nghiệp và 11.567 hộ tạm ngừng kinh doanh. Ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch. Doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn quận trong quý I-2020 đã giảm 39,71%, số khách du lịch nước ngoài lưu trú giảm 41,48% so với cùng kỳ năm trước.

 

Du khách nước ngoài tham quan khu phố cổ Hà Nội bằng xe xích-lô.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để khôi phục và phát triển kinh tế trước tác động của dịch bệnh, quận triển khai ba giải pháp thúc đẩy các ngành kinh tế, tăng thu ngân sách. Trước hết, để phát triển dịch vụ, du lịch, quận kích cầu thị trường dịch vụ, du lịch trong nước, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động thương mại trực tuyến. Quận hợp tác với các địa phương, các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển để thu hút khách du lịch trong nước. Sau khi thực hiện giãn cách xã hội, từ ngày 30-4, một số di tích, điểm tham quan trong khu vực phố cổ đã mở cửa đón khách. Cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, các di tích cũng chú trọng công tác phòng dịch. Sắp tới, lãnh đạo quận và các phòng, ban chuyên môn sẽ tổ chức đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh thương mại.

Để đẩy mạnh nguồn thu ngân sách, quận chỉ đạo Chi cục Thuế Hoàn Kiếm khai thác thu vượt dự toán một số nguồn thu, khoản thu từ các lĩnh vực kinh doanh ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; rà soát các dự án phát sinh tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, khai thác các nguồn lực đất đai phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách. Quận chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục để tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế. Triển khai kịp thời các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, quận điều hành linh hoạt chi ngân sách theo hướng triệt để tiết kiệm chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ chưa thật sự cần thiết. Ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% chi thường xuyên (tương đương hơn 44 tỷ đồng) trong năm 2020, quận dự kiến cắt giảm thêm khoảng 9% chi thường xuyên (tương đương khoảng 40 tỷ đồng). Để bảo đảm cân đối ngân sách và nguồn lực cho đầu tư phát triển, quận sẽ huy động các nguồn tài chính khác từ nguồn kết dư ngân sách, thưởng vượt thu để bù đắp hụt thu, xác định các nguồn lực để triển khai đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung ngân sách cho đầu tư công. Cùng với đó, quận đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, tập trung hoàn thành xây dựng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Trường tiểu học chất lượng cao Tràng An, trùng tu, tu bổ, tôn tạo Đình Nam Hương, cải tạo vườn hoa Tây Sơn… chào mừng Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 26 và Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17.

 

Khách du lịch tản bộ, tham quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại

Trong những năm qua, mặc dù quận tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, làm đẹp cảnh quan khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, công tác triển khai quy hoạch, việc đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực các phường ngoài đê sông Hồng chưa có nhiều chuyển biến. Kết nối giao thông giữa các khu vực trên địa bàn quận, nhất là kết nối giữa các phường ngoài đê sông Hồng với khu vực trung tâm thành phố, còn rời rạc.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với Quận ủy Hoàn Kiếm chiều 24-4, lãnh đạo quận đã kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, quận đề xuất thành phố mở rộng tuyến đường từ cầu Long Biên - Bác Cổ đến cầu Vĩnh Tuy, đồng thời cho phép UBND quận tiếp tục triển khai đầu tư dự án Xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội đô, kết nối không gian chức năng và hạ tầng kỹ thuật khu vực trong đê và ngoài đê.

 

Khu vực phố cổ Hà Nội với nhiều nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng luôn là địa điểm thu hút khách du lịch trong
và ngoài nước.

Ngoài ra, quận kiến nghị UBND thành phố cho phép thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng các trục đường trên địa bàn hai phường Chương Dương và Phúc Tân ở khu vực ngoài đê sông Hồng từ ngân sách của quận. Cụ thể là mở rộng ngõ 221 đường Hồng Hà, đi qua Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao quận, đồng thời mở thêm cửa khẩu tại đê bê-tông, kết nối ngõ 221 đường Hồng Hà với phố Hàng Khoai; mở rộng đường Thanh Yên và cửa khẩu hiện có; mở rộng đường Hàm Từ Quan kết hợp với hầm chui qua đê; mở rộng đường Chương Dương Độ kết hợp với hầm chui qua đê rộng 18,25m; mở rộng và nắn thẳng đường Cầu Đất kết hợp với hầm chui qua đê, nối thẳng ra phố Tràng Tiền; mở rộng, cải tạo, kéo dài đường dân sinh hiện có chạy dọc sông Hồng... nhằm làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao năng lực giao thông khu vực, đồng thời chống lấn chiếm bãi ven sông Hồng.

 

Du khách tham quan không gian đình Kim Ngân tại phố Hàng Bạc.

Để khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa, bãi ven sông Hồng thuộc địa bàn hai phường Phúc Tân và Chương Dương, quận đề xuất thí điểm kè sông Hồng đoạn qua địa bàn quận và làm dự án công viên đô thị gắn với cảnh quan tự nhiên. Bên cạnh đó, quận đang nghiên cứu, triển khai đề án xây dựng khu phố kiểu Pháp trở thành vùng di sản để phát triển du lịch, đề án đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị thông minh…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, những kiến nghị của quận Hoàn Kiếm cho thấy khát vọng và tầm nhìn phát triển của quận. Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của quận, đồng chí Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét giải quyết theo thẩm quyền và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, xác định lộ trình, tiến độ thực hiện đối với từng nội dung đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận trong thời gian tới.

 

Tuyến phố kinh doanh, thương mại Hàng Đào – Hàng Ngang.

Đồng chí lưu ý, quận cần phối hợp các sở, ngành hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu phố cũ, khu vực ngoài đê sông Hồng. Đối với đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn quận, cần xem xét kỹ lưỡng các dự án trước đây để cải tạo, chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị nhìn ra sông theo hướng quy hoạch dài hạn phù hợp với yêu cầu thoát lũ và giãn dân, tái định cư. Nhằm tăng cường hiệu quả của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, quận cần bổ sung ngay cột mốc số 0 tại bờ hồ với phương án kiến trúc có tính thẩm mỹ cao. Nghiên cứu cải tạo tuyến phố Hàng Khay, Tràng Tiền thành tuyến phố đi bộ kết hợp mua sắm nhằm thúc đẩy du lịch…

Hy vọng rằng, những định hướng phát triển này sẽ sớm được triển khai, hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư, xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa quý báu, xứng với vị thế trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của Thủ đô.

 

Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu di tích Đền Ngọc Sơn, sẵn sàn đón du khách tham quan trở lại.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)