Khu công nghệ cao, đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh internet
Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2008, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm. Mỗi đô thị vệ tinh được quy hoạch với chức năng khác nhau, trong đó Hòa Lạc được định hướng là đô thị công nghệ cao.
Siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc có quy mô lên tới hơn 17.000 ha được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của Thủ đô. Đây được định hướng là đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm.
Là đô thị khoa học công nghệ nơi tập trung trí tuệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời là đô thị nghỉ dưỡng sinh thái, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên cùng hệ thống không gian cảnh quan Ba Vì - Đồng Mô và hệ thống sông Tích.
Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc được chia làm 4 phân khu chuyên biệt bao gồm: Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc; Khu Đại học quốc gia; Khu đô thị sinh thái; Khu tổ hợp y tế. So với những phân khu còn lại, khu CNC Hòa Lạc là một phân khu quan trọng trong khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nói riêng và của TP. Hà Nội nói chung. Đây sẽ là nơi ươm mầm khởi nghiệp CNC và thu hút những chuyên gia hàng đầu đến sinh sống và làm việc.
Đến thời điểm hiện tại, đây cũng là phân khu đang có sự phát triển mạnh mẽ nhất khi hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư xây dựng nhà máy như Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu và kiểm thử DT&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty FPT…
Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn VinGroup đã chuyển toàn bộ tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh giai đoạn 1 từ Khu công nghiệp Đình Vũ về Khu CNC Hòa Lạc. Điều này khiến khu vực sẽ phát triển sầm uất trong thời gian tới đây khi kéo theo hàng loạt các dịch vụ phụ trợ ra đời.
Hiện tại, hạ tầng khung của khu CNC Hòa Lạc đã hoàn thiện bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 450 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA của Nhật Bản khoảng 400 triệu USD. Khu phần mềm quy mô là 76 ha, khu nghiên cứu và phát triển 229 ha, khu công nghiệp công nghệ cao gần 550 ha, khu dịch vụ tổng hợp khoảng 87,5 ha và khu nhà ở… Dự án phát triển hạ tầng khu CNC Hòa Lạc được xem là điều kiện quan trọng nhất để khu công nghệ cao Hòa Lạc bước sang một trang mới tạo tiền đề phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Tạo lực hút đầu tư mạnh mẽ
Sau khi có quy hoạch, sự phát triển của các đô thị vệ tinh nói chung và Hòa Lạc nói riêng còn chậm, chưa thực sự phát triển những năm sau đó. Tuy nhiên, đô thị vệ tinh Hòa Lạc thời gian gần đây có sự chuyển biến rất rõ nét, đặc biệt là 2 dự án quy mô lớn đang hình thành rõ nét là Quần thể khu Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao.
Theo ý kiến một số chuyên gia, cơ sở hạ tầng của khu công nghệ cao rất tốt, được quy hoạch và đầu tư bài bản, hiện đại về cơ bản đã hoàn thành. Vì thế, gần đây dòng vốn từ các tập đoàn lớn đổ mạnh vào đây để xây dựng các nhà máy, kéo theo việc làm gia tăng đáng kể. Có ý kiến còn cho rằng, sự thay đổi của khu công nghệ cao Hòa Lạc trong vòng 1 năm nay bằng 10 năm trước cộng lại.
Có được sự thay đổi lớn này là do sau Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" vào giữa năm 2018, với bản nghi nhớ đầu tư cho khu công nghệ cao và các tỉnh lân cận lên tới 70.000 tỷ đồng, đã dấy lên một làn sóng thu hút dòng vốn đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, năm 2017 đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ. Năm 2018 có khoảng 8 dự án với tổng mức đầu tư 13.735 tỷ đồng trên diện tích 26,3 ha được trao giấy chứng nhận đầu tư. Tính đến cuối năm 2019, khu công nghệ cao này đã có 90 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 85.800 tỷ đồng. Riêng năm 2019, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư 6.895 tỷ đồng.
Chính vì thế, hiện tại khu công nghệ cao đang thay da đổi thịt hàng ngày với các nhà máy lớn liên tục được mọc lên nhanh chóng. Theo khảo sát thực tế, hiện tại có hàng chục nhà máy lớn đang tập trung xây dựng cũng như mới đi vào hoạt động tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trong đó, phải kể đến như VinGroup xây tổ hợp nhà máy sản xuất điện thoại Vinsmart; Viettel khởi công xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao trên diện tích 9,1ha; nhà máy của tập đoàn Nidec, nhà máy sản xuất động cơ máy bay, nhà máy sơn Kova, trường đại học FPT,...
Bên cạnh đó, việc xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở đã và đang dần hoàn thiện, làm tăng giá trị bất động sản khu vực, đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị thông minh. Tiêu biểu như quy hoạch mở rộng tuyến quốc lộ 21, tổng chiều dài là 29,3 km, tốc độ thiết kế 80 km/h, sẽ đưa vào khai thác từ năm 2023, cùng việc bố trí các tuyến xe buýt đi lại giữa trung tâm thành phố và Hòa Lạc.
Quy hoạch đến 2030 và tầm nhìn 2050 cũng sẽ có nhiều tuyến đường nối trung tâm với đô thị vệ tinh như trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì (đoạn Vành đai 4 đến Hòa Lạc)… Các tuyến đường sắt sẽ có các tuyến Hòa Lạc - Văn Cao, Hòa Lạc - Sơn Tây, Hòa Lạc -Xuân Mai. Trong đó, tuyến Hòa Lạc - Văn Cao đã được Tập đoàn VinGroup đấu thầu theo hình thức BT và triển khai vào năm 2023.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, với tốc độ đầu tư đang gia tăng mạnh mẽ thì chỉ khoảng 2 - 3 năm nữa khu vực này sẽ lấp đầy các nhà máy. Tuy nhiên, để các dự án được hình thành có thể vận hành, khai thác hiệu quả nhất, TS. KTS Hoàng Hữu Phê, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải có phương án tổ chức thực hiện quy hoạch tốt nhất.
Theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê, khu vực này đã có doanh nghiệp vào đầu tư, sắp tới sẽ hình thành các khu đô thị có nhà ở, nhưng phải bám sát đúng chức năng, mục đích hình thành của “siêu đô thị” này, đó là trung tâm của khoa học, công nghệ cao, bao gồm: Nghiên cứu, đào tạo và sản xuất; kèm theo đó là các loại hình dịch vụ khác như y tế, nghỉ ngơi - giải trí... Trong đó phải đặc biệt chú tâm đến vấn đề đưa nơi đây trở thành một trung tâm đào tạo mới, với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
Có thể thấy, được quy hoạch đồng bộ chi tiết, cùng với sự thúc đẩy xây dựng và thu hút đầu tư của Chính phủ và TP. Hà Nội vào phân khu công nghệ cao, đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang từng bước hiện diện rõ nét hơn. Đây là những nhân tố tích cực trở thành đòn bẩy thúc đẩy các dự án khu nhà ở, khu dân cư,…đang dần hình thành ở khu vực này. Giới đầu tư bất động sản gần đây cũng đã bắt đầu có động thái "săn lùng" đất có pháp lý rõ ràng, đất nền sổ đỏ nhằm đón đầu cơ hội trong tương lai.