Thực hiện Quyết định số 62/QĐ-TTg, ngày 16/4/2004, của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, kiên trì với mục tiêu đẩy mạnh cho vay ưu đãi đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, thành phố Hà Nội đã thu được nhiều kết quả rõ nét. Qua đó góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn...
Khi chính sách đi vào cuộc sống
Tập trung phát huy tối đa việc đầu tư công trình xây dựng công trình và vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là tại những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đời sống người dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt. Đến nay, 100% dân số nông thôn Hà Nội được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, 75% dân số được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Việt Nam của Bộ Y tế; số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 1.059.691 hộ, chiếm tỷ lệ 96,44%. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, đây là nỗ lực lớn của thành phố, bởi trước khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống, ở nhiều vùng nông thôn khu vực ngoại thành “trắng” nước sạch, còn công tác bảo vệ môi trường nông thôn cũng còn nhiều hạn chế.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là tiêu chí quan trọng cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Đây cũng là một trong tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, hằng năm, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông và các tầng lớp nhân dân tăng cường tập huấn, trong đó, có nội dung tạo điều kiện để các hộ gia đình, tổ chức tiếp cận vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố Hà Nội đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường hiện đại hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt hiệu quả cao, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố Hà Nội cũng đã bám sát văn bản hướng dẫn của ngành tăng cường kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, đôn đốc hộ vay chấp hành trả nợ gốc, lãi đúng hạn, tham gia gửi tiền tiết kiệm để tạo nguồn vốn cho vay. Theo đó, doanh số cho vay giai đoạn 2006 - 2019 đạt 3.192,7 tỷ đồng với 292.639 lượt hộ gia đình được vay vốn. Nhờ đồng vốn vay ưu đãi, khu vực ngoại thành có thêm 585.474 công trình (294.396 công trình nước sạch và 291.978 công trình vệ sinh) được xây dựng đưa vào vận hành, khai thác. Cũng từ nguồn vốn ưu đãi, đã góp phần tăng tỷ lệ số gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 80 lên 100% trong giai đoạn 2006-2019; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt tiêu Quy chuẩn Việt Nam của Bộ Y tế từ 30 lên 75%; nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 55,4 lên 96,44%. Thông qua chương trình cho vay ưu đãi tín dụng đã hỗ trợ nhiều gia đình ở nông thôn đầu tư xây dựng bể Bioga chứa rác thải, phân chuồng trong chăn nuôi hợp vệ sinh. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn trên địa bàn thành phố chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh từ 51% lên 82,02%.
Bốn bài học kinh nghiệm quý
Qua gần 15 năm triển khai thực hiện cho vay Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, thành phố đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Qua triển khai cho thấy, địa phương nào có sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền ở đó triển khai tín dụng chính sách có hiệu quả, môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao...
Thứ hai là, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội luôn đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban đại diện Hội đồng quản trị, cần tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, nhất là vai trò của các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp xã để chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai đúng đối tượng, có hiệu quả.
Thứ ba là, tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ cũng như hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức thực hiện công khai, dân chủ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở và hệ thống chính trị tại khu dân cư..
Thứ tư là, phối kết hợp chặt chẽ với tổ chức hội đoàn thể các cấp để thực hiện tốt phương thức cho vay ủy thác, thực hiện các chương trình lồng ghép, hỗ trợ về kỹ thuật cho hộ vay để triển khai tốt chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Được biết, để phục vụ tốt nhu cầu của người dân, phát huy kết quả đạt được và các bài học kinh nghiệm, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg, ngày 16/4/2004, của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về chiến lược nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm trật tự, an toàn và an sinh xã hội, đẩy lùi “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn...