TP Hồ Chí Minh đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề án thành lập thành phố phía đông trực thuộc TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Đây là chủ trương chưa có tiền lệ trên cả nước khi xây dựng thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu đề án này được thực hiện sẽ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh phát triển…
Hạ tầng giao thông phía đông thành phố được đầu tư hiện đại và đồng bộ.
Trong ảnh: Một đoạn xa lộ Hà Nội thuộc địa bàn quận 2.
Khu đô thị sáng tạo
Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết, việc xin chủ trương thành lập thành phố phía đông là một cấu phần trong Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà TP Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành để trình Trung ương. Đây cũng là động thái mới nhất của TP Hồ Chí Minh trong việc hiện thực hóa ý tưởng thành lập Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông đã được ấp ủ nhiều năm qua.
Theo dự kiến, sau khi được thành lập, thành phố phía đông sẽ có diện tích tự nhiên là 211,57 km2, quy mô hơn 1,169 triệu dân. Về cơ sở hạ tầng, thành phố phía đông được hình thành dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu Công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ngoài ra, còn có các khu công nghiệp, khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.
Theo quy hoạch, khi hình thành, thành phố phía đông sẽ gồm sáu trung tâm quan trọng, gồm: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc (hình thành khu sản xuất các mặt hàng thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn chung quanh sân vận động); Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; Trung tâm công nghệ giáo dục; Khu công nghệ sinh thái Tam Đa (nơi tập trung nhất về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành) và Khu đô thị tương lai Trường Thọ (cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận, ưu tiên người đi bộ). Với sáu trung tâm, thành phố mới sẽ trở thành “bệ đỡ” cho nền kinh tế tri thức, công nghệ cao phát triển mạnh mẽ.
Về mô hình quản lý, thành phố sẽ được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển. Khu đô thị này sau khi hình thành sẽ là hạt nhân dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh và khu vực phía nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Hiệu quả hướng tới là phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh ngày càng đúng hướng, có chất lượng cao hơn…
Cần cơ chế đặc thù
Theo ông Trương Văn Lắm, việc xin sáp nhập ba quận để thành lập thành phố của thành phố trực thuộc Trung ương là chưa có tiền lệ trong cả nước. Do vậy, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ và các bước chuẩn bị.
Theo các chuyên gia quy hoạch, khó khăn lớn nhất của việc thành lập thành phố phía đông là về luật pháp và thể chế, bởi chưa có quy định về vấn đề này. Do đó, để hình thành một thành phố mới, TP Hồ Chí Minh cần có một cơ chế đặc thù để linh hoạt vận hành và tận dụng hiệu quả nguồn lực. Ngay từ bây giờ, cần thành lập một cơ quan quản lý đề án này như các ban quản lý hiện nay (Ban quản lý khu Tây Bắc; Ban quản lý khu Nam Sài Gòn...) để giúp lãnh đạo thành phố xúc tiến các thủ tục, kêu gọi đầu tư.
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đề án thành lập thành phố trong thành phố là một định hướng tốt về mặt đô thị. Để thực hiện thành công mô hình nêu trên, cần có sự rõ ràng về cơ chế. Tức là những thành phố trong thành phố sẽ có bộ máy, hướng phát triển, nền tảng pháp lý phù hợp nhưng vẫn theo định hướng, chiến lược chung của siêu đô thị. Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai thành phố. Còn theo nguyên tắc quản lý đô thị, quy mô thành phố nhỏ, vừa, bao giờ cũng có chất lượng sống cao hơn thành phố có quy mô quá lớn. Theo đó, nhu cầu của người dân sẽ được đáp ứng, bản sắc của khu đô thị như di sản, kinh tế tài chính, công nghiệp sẽ được giữ gìn tốt hơn.
KTS Võ Kim Cương cũng cho rằng, khu vực phía đông của TP Hồ Chí Minh có tiềm năng rất lớn, có điều kiện “cần” để lập một thành phố mới. Nhưng muốn “đủ” phải xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông, sau đó sẽ thành lập bộ máy để lo từ vấn đề quy hoạch tới các nguồn tài chính, tổ chức đầu tư, thực hiện...
Nhiều chuyên gia quy hoạch, kinh tế cũng đánh giá cao chủ trương này của TP Hồ Chí Minh. Đây sẽ là "thành phố thông minh" với hạt nhân đầu tiên là "Khu đô thị sáng tạo" phía đông của thành phố. Khi hình thành, thông qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn chất xám - công nghệ theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tập trung vào đây.
"Khu đô thị sáng tạo" còn là nơi phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, tạo môi trường nuôi dưỡng các thế hệ doanh nhân mới. Sự hình thành “Khu đô thị sáng tạo” phía đông sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh để giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế cả nước…