Để có cơ sở, chiến lược đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng, rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp, tổ chức công khai quy hoạch xây dựng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các thông tin về quy hoạch xây dựng.
Trong đó, tỉnh đã thực hiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu A3, B2, C3, C4 thuộc phạm vi Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; Quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện phía Bắc, phía Tây, phía Nam đô thị Vĩnh Phúc tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050; rà soát, tổng hợp nhu cầu nhà ở cho công nhân các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở đề xuất, triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân…
Trên cơ sở các quy hoạch, tỉnh tăng cường bố trí, thu hút các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bằng các giải pháp cụ thể như: Khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chống thất thu, tăng thu cho ngân sách; thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống thất thoát ngân sách.
Lập, quản lý, thực hiện quy hoạch hai bên các tuyến đường giao thông (kể cả đã đầu tư và đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới) thuộc hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo quỹ đất sạch để đấu giá hoặc thu hút các dự án đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Xây dựng cơ chế và trách nhiệm quản lý hành lang giao thông ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để thuận lợi trong quá trình cải tạo, nâng cấp các tuyến đường và thực hiện phát triển kinh tế-xã hội dọc 2 bên tuyến đường.
Cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh… Trong giai đoạn 2017-2020, tổng nguồn vốn bố trí triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đạt hơn 8.300 tỷ đồng.
Nhờ đó, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc sử dụng một phần, trong đó có thể kể đến như: Đường vành đai 1 đã đầu tư hoàn thành; đường song song đường sắt tuyến phía Bắc đã đưa vào sử dụng; đường vành đai 3, đoạn Hương Canh -Yên Lạc đã cơ bản hoàn thành; đoạn thị trấn Yên Lạc - xã Bình Dương đang thi công, dự kiến tháng 6/2020 sẽ thông xe; cải tạo, nâng cấp QL2B cơ bản đã thực hiện xong đến xã Hợp Châu; đường Kim Ngọc kéo dài qua cầu Đầm Vạc đến đường vòng tránh Vĩnh Yên đã đầu tư cơ bản hoàn thành,…
Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm chủ động khai thác các nguồn vốn, đặc biệt là công tác vận động thu hút vốn ODA cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 7 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đều đã ký hiệp định vay và có hiệu lực, bao gồm: Dự án cải thiện môi trường đầu tư đã đưa vào sử dụng; Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt đã khởi công 30% giai đoạn đầu, phần còn lại và các dự án khác như Dự án cầu Đầm Vạc, một số dự án hợp phần của Chương trình phát triển các đô thị loại II sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, tỉnh tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện lực, viễn thông… đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt, nhiều năm liên tục đứng trong top đầu chỉ số cơ sở hạ tầng các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chỉ số này được xây dựng dựa trên các kết quả điều tra về cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng cơ sở hạ tầng trên khắp các tỉnh, thành phố và các nguồn dữ liệu đã được công bố.
Đây là điều kiện, động lực quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội và hiện thực hóa mục tiêu sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước, thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.
Theo báo Vĩnh Phúc