Những kết quả khả quan
Quận 1, quận 12 là hai đơn vị được TP Hồ Chí Minh chọn làm thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Đây được xem là quá trình xây dựng những đô thị thông minh thu nhỏ. Kinh nghiệm thực tiễn thu được sau thời gian thí điểm sẽ là cơ sở để nhân rộng ra toàn thành phố.
Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, đến nay quận đã xây dựng trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh đặt tại trụ sở công an quận. Trung tâm này tích hợp 600 ca-mê-ra hiện hữu tại các khu dân cư. Ở giai đoạn hai, quận sẽ lắp đặt 287 ca-mê-ra tại 161 điểm nóng, vị trí trọng điểm và 14 giao lộ cần giám sát. Quận 12 cũng đang thí điểm hạng mục xử lý vi phạm giao thông thông minh; hệ thống cảnh báo phòng cháy, chữa cháy; hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông trực tuyến - Reputa; hệ thống giám sát bảo vệ an toàn thông tin cho trang thông tin điện tử quận. UBND quận đã đưa tiêu chuẩn thực hành 5S vào thực hiện tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và 11 UBND phường. Để tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp, quận 12 triển khai các giải pháp như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hệ thống trả lời tự động qua Facebook, Zalo.
Tương tự, Trung tâm điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND quận 1 đã tích hợp hệ thống ca-mê-ra ở địa bàn dân cư và công an 10 phường với tổng cộng 750 ca-mê-ra. Trung tâm này đã hỗ trợ tốt cho quận trong chỉ đạo, điều hành, xử lý các tình huống phát sinh, chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, qua hai năm thực hiện, diện mạo đô thị thông minh của thành phố đã thành hình rõ nét. Bốn trung tâm (trụ cột) của thành phố thông minh đã được hình thành, gồm: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm an toàn thông tin thành phố; trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội. Trong đó, trung tâm điều hành đô thị thông minh (giai đoạn một) đặt tại UBND thành phố với hơn 1.000 ca-mê-ra được kết nối, tích hợp dữ liệu về trung tâm nhằm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự. Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp (cổng 1022) đã được nâng cấp mở rộng, gồm sáu kênh tiếp nhận phản ánh: gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email, website, Facebook và ứng dụng (app) trên điện thoại. Đáng chú ý, cổng 1022 đã mở rộng cho 24 quận, huyện, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân. Đến nay, cổng này tiếp nhận đến 4.000 phản ánh mỗi tháng với 1.400 cơ quan, đơn vị liên quan tham gia xử lý trên hệ thống. Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo, từ đó đã ứng dụng các mô hình dự báo chuỗi thời gian để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho năm 2019 - 2020. UBND thành phố cũng đã phê duyệt đề án thành lập Công ty cổ phần Vận hành Trung tâm an toàn thông tin thành phố với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.
Đẩy nhanh tiến độ
Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, năm 2020, quận 12 sẽ tiếp tục triển khai giải pháp phân tích dữ liệu hình ảnh từ ca-mê-ra, bước đầu sẽ ứng dụng trong lĩnh vực an ninh, giao thông; thí điểm hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chọn ra 20 điểm cảnh báo phòng cháy, chữa cháy để trang bị thiết bị. Đáng chú ý hơn, quận sẽ xây dựng và triển khai phần mềm quản lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, bệnh án điện tử, hệ thống quản lý thông tin trường mầm non; hệ thống đánh giá đo lường hiệu quả công việc của cán bộ, công chức; ứng dụng tiếp nhận, quản lý, trả lời phản ánh, góp ý của người dân thông qua tài khoản Zalo, Facebook và website - Vticket; hệ thống thông tin quản lý xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến… nhằm tăng mức độ hài lòng của người dân.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh, năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai các bước thực hiện xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của thành phố thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 - 2025; xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh ca-mê-ra tập trung của thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố về kho dữ liệu dùng chung; tập trung triển khai cơ sở dữ liệu của người dân, doanh nghiệp, nền địa hình, địa chính; triển khai bản đồ số dùng chung cho thành phố… Ngoài ra, thành phố triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý cung cấp các dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực cụ thể như: cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, giao thông; chống ngập, môi trường; y tế, an ninh trật tự; chỉnh trang đô thị. Huy động các nguồn lực xã hội phối hợp chặt chẽ, sự chung tay, tham gia xây dựng thành công đô thị thông minh. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành đã đặt hàng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện xây dựng đô thị thông minh, trong đó chú trọng huy động các nguồn lực ngoài ngân sách; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin nhằm triển khai nhanh, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin,… Trước mắt sẽ tiếp tục xây dựng quy chế vận hành của trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, xây dựng kịch bản dự báo phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phục vụ cho Đại hội 11 của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.
Theo Nhân dân điện tử