Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Trước tình hình đó, chiều 8/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát tại Bến Tre và làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát
Trong phát biểu đặt vấn đề tại buổi làm việc, đề cập đến diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, các cấp, các ngành.
Công tác cách ly y tế vẫn đang được triển khai tích cực, hiệu quả, nhất là đối với du khách và người Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Thủ tướng khẳng định, Nhà nước đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, vật tư, lương thực thực phẩm ở thành phố lớn các tỉnh, thành cả nước một kịp thời; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của nhân dân.
Về các giải pháp ứng phó với hạn mặn, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Nghị quyết 120/CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhắc lại cuộc họp tháng 9/2019 với lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tại Tiền Giang để phổ biến tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó với hạn mặn.
Hội nghị đã chỉ đạo cấy sớm 1 tháng đối với vụ Đông Xuân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng hạn mặn xảy ra, nhờ đó, diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000 ha, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (có trên 405.000 ha lúa bị thiệt hại). Đây là thành công quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu nặng nề thời gian qua tại khu vực.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, các dự báo cho thấy hạn mặn 2020 còn nặng nề hơn 2016, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, thiếu nước sản xuất sẽ xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con nhân dân.
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung một số biện pháp trước mắt và lâu dài để xử lý những vấn đề phát sinh, đặc biệt là giải quyết việc thiếu nước uống đạt chuẩn cho nhân dân trong vùng
“Đây là yêu cầu cấp bách”, cần thực hiện, Thủ tướng nói và cùng với đó là hạn chế thiệt hại kinh tế - xã hội tại 5 tỉnh trong vùng; trong đó có các giải pháp công trình và phi công trình theo tinh thần Nghị quyết 120/CP của Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát một số công trình phòng chống hạn, mặn ở tỉnh Bến Tre, gồm đập tạm chặn dòng Ba Lai (đoạn huyện Châu Thành) nhằm ngăn nước mặn từ biển lấn vào đất liền, tạo tuyến kênh chứa nước ngọt và cống An Hiệp, công trình vừa hoàn thành toàn bộ vào tháng 2/2020, vượt tiến độ 3 tháng.
Khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên lưu vực sông Mê Công, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về Đồng bằng Sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020.
Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2020 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ).
Đối với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh.
Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020.
Đập tạm Ba Lai, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN
Sản xuất nông nghiệp: Toàn vùng đã xuống giống lúa Đông Xuân 2019-2020 tổng cộng 1,54 triệu ha, hiện đã thu hoạch khoảng 1,0 triệu ha.
Tổng cộng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 (ảnh hưởng trên 30% năng suất) khoảng gần 39.000 ha (Mùa 16.000 ha, Đông Xuân 23.000 ha), chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng, bằng 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt ảnh hưởng hạn, mặn năm 2015-2016 là 405.000 ha).
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre có khoảng 5.000ha diện tích lúa bị thiệt hại do xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Các diện tích cây ăn trái hiện chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn do được bảo vệ của hệ thống đê bao, bờ bao; tuy nhiên, nguồn nước ngọt được tích trữ phục vụ tưới đang dần cạn kiệt, nếu xâm nhập mặn kéo dài đến tháng 4 thì sẽ có nhiều diện tích bị ảnh hưởng do thiếu nước.
Về nước sinh hoạt, hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ).
Cụ thể tại một số tỉnh: Sóc Trăng 24.400 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ (giảm so với năm 2015-2016 là 114.400 hộ). Các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước.
Việt Nam đủ cơ sở dự phòng lương thực
Đánh giá về kết quả xử lý hạn mặn thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, các địa phương đã năng động, sáng tạo trong ứng phó với hạn mặn. Nhân dân trong vùng đã có bước chuyển về nhận thức, chung tay cùng chính quyền trong công tác ứng phó với hạn mặn, biến đổi khí hậu. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp cứng kết hợp với giải pháp mềm đem lại kết quả tốt, thể hiện rõ qua việc lúa được mùa lớn.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đủ cơ sở dự phòng lương thực cao gấp rưỡi hàng năm; đáp ứng đủ yêu cầu cho trong nước và xuất khẩu.
Thành tựu tiếp theo là 5 công trình kiểm soát lớn kịp thời hoàn thành. Hàng loạt đập tạm, giếng đào, mương được hình thành đáp ứng nhu cầu nước ngọt và tưới tiêu của người dân tại nhiều địa phương.
Chủ trương, chiến lược phát triển theo Nghị quyết 120/CP đã được triển khai có hiệu quả, đây là sự cố gắng của các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng đánh giá.
Một phương châm rút ra là: Một vấn đề khó, thậm chí rất khó nếu có sự chung tay của các thành phần kinh tế và toàn dân thì nhất định sẽ dành thắng lợi”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh đây chính là tinh thần, ý chí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động triển khai đồng bộ, không chủ quan, ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19.
Đặc biệt là vận động chủ động khai báo y tế, nắm chắc tình hình từng khu phố, phường xã; tổ chức thực hiện tốt cách ly y tế theo chỉ lệnh của Bộ Y tế. Cấp ủy, chính quyền cần coi đây là nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian này.
Đi liền với đó là quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 thành công và hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm không thay đổi các chỉ tiêu phát triển. Đặc biệt, cần làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII một cách hệ thống, lựa chọn người có đức, có tài phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh trong vùng cần có lộ trình, bước đi trước mắt và lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững; triển khai khảo sát, đánh giá cơ bản quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh và trong vùng. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ tại địa phương, góp phần vào thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công nghiệp, dịch vụ, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để các lĩnh vực này đem lại hiệu quả tốt hơn; phấn đấu đóng góp hoàn thành mục tiêu đạt 42 tỷ USD xuất khẩu nông sản cả nước trong năm 2020, tận dụng tốt cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhất là EVFTA.
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là niên độ phát triển 2021 – 2025.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ nguồn nước, thông báo, phối hợp kịp thời đến các địa phương trong vùng để có biện pháp xử lý kịp thời tình hình hạn mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Trong thời điểm này, cần phối hợp, đánh giá nguồn nước để có cơ sở xây dựng biện pháp xử lý phù hợp.
Thủ tướng lưu ý đến việc chuẩn bị tốt cho vụ hè thu tại Đồng bằng Sông Cửu Long và yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp đưa ra giải pháp hiệu quả nhất cho vụ lúa này. Song song với đó là chuẩn bị tốt kế hoạch năm tới để có đủ kinh phí thực hiện các công trình, dự án hạ tầng kinh tế xã hội trong vùng.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các tỉnh chịu thiệt hại lớn do hạn mặn trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để phục vụ cho các công việc như: Nạo vét, đào ao, đào giếng, trang bị các thiết bị lọc nước, giữ nước phục vụ nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát các nội dung cần hỗ trợ để trình Thủ tướng quyết định, tổ chức triển khai. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định mức giá chi tiết./.
Theo TTXVN