Chính sách này, đã được Quốc hội Hy Lạp thông qua thành luật vào tuần trước, nhằm vực dậy thị trường bất động sản đang hấp hối của nước này, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư đến từ Arập, Trung Quốc và Nga.
Có hiệu lực trong vòng 5 năm và được để ngỏ để gia hạn thêm, luật bất động sản mới này của Hy Lạp ra đời sau các biện pháp tương tự đã được chấp nhận trước đó tại Hungary, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tại Hy Lạp, suy thoái kinh tế đã bước sang năm thứ sáu liên tiếp và chính sách thuế khóa nặng nề đã bóp chết ngành xây dựng của nước này - lĩnh vực trước đây vốn là một trong những trụ cột của cả nền kinh tế.
Theo ông Dimitris Kapsimalis, Chủ tịch Nghiệp đoàn các công ty xây dựng Hy Lạp, khủng hoảng kinh tế đã đẩy nửa triệu nhân công trong ngành xây dựng vào cảnh mất việc làm và 12.000 công ty trong ngành phải đóng cửa. Theo các điều khoản của gói cứu trợ Hy Lạp từ bộ ba nhà cho vay bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Hy Lạp cần phải tự thu xếp được 2,6 tỷ euro trong năm nay thông qua việc bán bớt tài sản, hoặc cho thuê các bất động sản do nhà nước quản lý, trong đó có cả các trụ sở cơ quan Bộ và các tòa lãnh sự ở nước ngoài.
Cũng trong ngày 22/4, Bộ Du lịch Hy Lạp đã công bố kế hoạch thu hút tầng lớp du khách có tuổi tới nước này trong bối cảnh dân số thế giới đang ngày càng già đi và đến Hy Lạp cho tới nay vẫn chủ yếu là du khách trẻ.
Bộ này dự kiến lượng du khách tới Hy Lạp vào mùa Hè này có thể gia tăng, song ngành du lịch nước này hiện vẫn còn khá thiếu hạ tầng cơ sở dành cho những du khách trên 55 tuổi, nhóm tuổi đang gia tăng trong cơ cấu dân số toàn cầu, và họ có những nhu cầu và quan tâm khác với giới trẻ.
Theo các chuyên gia trong ngành, đến năm 2030, du khách cao tuổi sẽ chiếm 24% trong tổng du khách toàn cầu. Nhưng hiện chỉ có 9,5% các khách sạn Hy Lạp là có thể đáp ứng được các hoạt động, nhu cầu và dịch vụ phù hợp với du khách lứa tuổi này./.
Theo TTXVN