Riêng quý vừa qua có đến 20 trên 26 thành phố (77%) đã chứng kiến mức tăng trưởng phẳng hoặc khá lạc quan, thể hiện thị trường đang dần được cải thiện. Chỉ số hiện nay cao hơn mức đáy của khủng hoảng tài chính vào Quý 2 năm 2009 tới 18,7%, trong đó Hồng Kông, Luân Đôn và Bắc Kinh là những thị trường phát triển mạnh nhất trong khoảng thời gian này, ghi nhận mức tăng trưởng giá lần lượt là 52,9%, 45,4% và 39,5%.
5 thành phố đã ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong một năm tính đến tháng 9 là Jakarta, Dubai*, Miami, Nairobi và Luân Đôn – đây là 5 thành phố thuộc 5 khu vực quan trọng nhất trên thế giới.
Mặc dù châu Á hiện đang dẫn đầu với việc Jakarta ghi nhận mức tăng thường niên lên đến 28,5% - kết quả này cho thấy nguồn cầu bất động sản cao cấp không liên quan nhiều đến sức mạnh của nền kinh tế khu vực (Châu Á Thái Bình Dương chỉ có hai thành phố nằm trong top 10 so với ba của Châu Âu). Thay vào đó, dòng tiền quốc tế và cách suy nghĩ của các đại gia ngày càng có sức ảnh hưởng lớn hơn.
Những thành phố như Dubai, Miami, Nairobi và Luân Đôn ngày càng được xem như những trung tâm đầu tư đối với các đại gia trong khu vực. Trong cuộc cách mạng Mùa xuân Ả rập, Dubai được xem như một nơi đầu tư tương đối an toàn với các thương nhân đến từ Trung Đông và Bắc Phi (MENA), trong khi các nhà đầu tư Venezuela và Brazil hướng tới Miami nhằm hạn chế việc liên quan đến những vấn đề kinh tế và chính trị trong nước.
Không phải tất cả các thị trường nhà ở cao cấp đều được hưởng lợi từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu. Tại Paris, mặc dù giá cả đã được giữ vững trong Quý 3 song thị trường vẫn đóng băng khi các khách hàng quốc tế đều có thái độ ‘chờ đợi xem diễn biến thế nào’. Các chủ sở hữu bất động sản từ chối giảm giá cho đến khi tổng thống Hollande và các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung Châu Âu có những động thái rõ ràng hơn trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công.
Các thị trường cao cấp của Châu Á có vẻ như đang bước vào một thời kì tăng trưởng khiêm tốn do những điều luật mới ban hành nhằm hạ nhiệt giá và tăng khả năng chi trả của khách hàng nội địa.
Ông James Price - Bộ phận phát triển nhà ở quốc tế của Knight Frank – cho biết: “Ngoại trừ Luân Đôn, có thể thấy những thị trường phát triển mạnh khác đều là những nơi từng trải qua khoảng thời gian tạm lắng trước khi sôi nổi trở lại (như Miami, Dubai) hoặc những nơi có thể được xem là các thành phố quốc tế hạng hai - là những thị trường phát triển mạnh, song không phải là những thành phố thuộc dạng “cửa ngõ quốc tế” (như Zurich, Vienna, San Francisco), nơi mà lãi suất đã đẩy giá lên từ mức thấp hơn”.
Theo Hà Nội mới Online