Giai đoạn I của Nhà máy Xi măng Long Sơn với sự xuất hiện của 2 dây chuyền (1 và 2) đồng bộ, được xây dựng từ năm 2014; tổng công suất 14.000 tấn/ngày, tương đương 7 triệu tấn xi măng/năm. 2 dây chuyền trên đưa vào vận hành đã tạo bước tiến quan trọng trong sự phát triển của Công ty TNHH Long Sơn, đồng thời góp phần hình thành cụm công nghiệp xi măng lớn nhất tại thị xã Bỉm Sơn.
Các loại nguyên liệu trong sản xuất xi măng Long Sơn được cung cấp trực tiếp từ vùng núi đá Bỉm Sơn. Theo khảo sát của các chuyên gia Liên Xô trước đây, đây là vùng nguyên liệu được đánh giá tốt nhất Việt Nam. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, vùng nguyên liệu này đã được chọn để xây dựng và phát triển nền công nghiệp sản xuất xi măng.
Nguyên liệu chất lượng kết hợp cùng với dây chuyền thiết bị của các hãng nổi tiếng như Loscher, IKN, ABB của Cộng hòa Liên bang Đức và công nghệ sản xuất tiên tiến của Nhật Bản đã cho ra đời sản phẩm xi măng Long Sơn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, được đánh giá tốt nhất thị trường. Đây cũng là yếu tố cốt lõi giúp cho xi măng Long Sơn tạo dựng được lòng tin với người dùng trong nước cũng như xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký kết với đối tác từ Singapore, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Bangladesh và châu Phi...
Với mong muốn mở rộng, cung cấp ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm xi măng chất lượng cao, mang thương hiệu Long Sơn, Công ty TNHH Long Sơn đã lên kế hoạch mở rộng giai đoạn II của dự án và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Cụ thể, cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung giai đoạn II Nhà máy Xi măng Long Sơn với 2 dây chuyền số 3 và 4. Được biết, mỗi dây chuyền có công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm, kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat, phục vụ xây dựng công trình ven biển và hải đảo. Hai dây chuyền trên cũng nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tích hợp giai đoạn II Nhà máy xi măng Long Sơn vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đại diện Công ty TNHH Long Sơn, một trong những lý do khiến Dự án Nhà máy Xi măng Long Sơn mở rộng nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Chính phủ và các bộ, ngành là nhờ hệ thống xử lý nước thải bảo vệ môi trường kết hợp với việc tạo ra sản phẩm xi măng có chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat để xây dựng các công trình ven biển, hải đảo. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ thông qua giai đoạn II của dự án được đánh giá như "mốc son", đánh dấu sự trưởng thành của công ty sau một thời gian nỗ lực xây dựng thương hiệu, đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng.
Toàn cảnh nhà máy
Với tổng công suất 4,6 triệu tấn xi măng/năm (bao gồm cả hai dây chuyền 3 và 4), các chuyên gia cho rằng, hoàn thành đúng tiến ộ dự án là không đơn giản. Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Long Sơn khẳng định, với đội ngũ kỹ sư có trình độ, kinh nghiệm xây dựng dây chuyền 1 và 2 trước đó, dây chuyền 3 và 4 sẽ hoàn thành đúng tiến độ và cam kết đã đề ra.
Dù vậy, để đảm bảo tiến độ dự án và các điều kiện về đầu tư, xây dựng, môi trường, sản phẩm cũng như quy định liên quan, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa giám sát Dự án giai đoạn II của Nhà máy Xi măng Long Sơn Thanh Hóa.
Nhà máy Xi măng Long Sơn được xây dựng trên diện tích 53ha thuộc địa bàn xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnhThanh Hóa, tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng với 2 dây chuyền đồng bộ; tổng công suất 14.000 tấn/ngày, tương đương 7 triệu tấn xi măng/năm.
(http://longsoncement.com.vn)
Theo báo Công Thương