Tổng Công ty FiCO: Mục tiêu đến năm 2020 doanh thu hợp nhất đạt 8.000 tỷ đồng

Thứ năm, 29/09/2016 14:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 28/9, Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 – CTCP (FiCO) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất nhằm thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư quí IV/2016 và định hướng năm 2017. Mục tiêu mà FiCO đề ra là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7 – 9%/năm, phấn đấu đến năm 2020 doanh thu hợp nhất đạt 8.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 300 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ/vốn chủ sở hữu đạt trên 9% tỷ lệ cổ tức trên 7%.

Ban lãnh đạo Tổng Công ty FiCO nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trước mắt, năm 2016, doanh thu toàn Tổng Công ty phấn đấu đạt 7.347 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 179 tỷ đồng. Năm 2017 đạt 7651 tỷ đồng, lợi nhuận 194 tỷ đồng.

Đại hội cũng đã bầu ra ban đại diện HĐQT và ban điều hành. Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Bền được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Quang Trung được bầu làm Tổng Giám đốc, ông Hoàng Cảnh Nguyễn, ông Lê Đức Huy, ông Phạm Quang Huy được bầu làm Ủy viên HĐQT.

Nhằm xây dựng FiCO trở thành doanh nghiệp thuộc TOP đầu cả nước về sản xuất kinh doanh xi măng, vật liệu xây dựng và khai thác chế biến khoáng sản, đưa thương hiệu FiCO trở thành thương hiệu mạnh trong nước và khu vực Đông Nam Á, Tổng Công ty sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như:

Thứ nhất, tái cấu trúc bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động Công ty mẹ: Thực hiện công tác rà soát, sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành Công ty mẹ đảm bảo tinh gon, hiệu quả; trên cơ sở đó cơ cấu lại tổ chức, hình thành các đầu mối điều hành đủ mạnh về tài chính và đầu tư để tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư phát triển của Tổng Công ty sau cổ phần hóa.

Thứ hai, thực hiện chiến lược đầu tư phát triển: Tập trung các nguồn lực để thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm của Tổng Công ty. Đối với lĩnh vực xi măng, song song với triển khai đầu tư dây chuyền 2 – nhà máy Xi măng Tây Ninh, sẽ tiến hành nhanh công tác đầu tư chiều sâu, nâng công suất các trạm nghiền hiện hữu để chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm; Đầu tư bộ phận Logistics để chủ động điều tiết sản lượng clinker, xi măng đến các hộ tiêu thụ, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan để triển khai việc đầu tư theo hướng M&A để mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường xi măng trong nước, giảm bớt áp lực cạnh tranh trong tương lai.

Thứ ba, thực hiện tái cấu trúc về tài chính: Khẩn trương thực hiện công tác thoái vốn tại các hạng mục nêu trên, để tập trung nguồn tài chính thực hiện chiến lược đầu tư phát triển Tổng Công ty; Công ty mẹ chủ trì kiểm soát dòng tiền, phân phối các nguồn lực có hiệu quả, đồng thời chỉ đạo thường xuyên tái cấu trúc tài chính tại các đơn vị thành viên đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực tài chính.

Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực: Thực hiện đánh giá toàn diện chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn có chất lượng cao, có tính kế thừa bền vững đáp ứng các mục tiêu phát triển của Tổng Công ty.

Bên cạnh đó Tổng Công ty cũng tăng cường quản trị rủi ro, xây dựng chính sách chung về quản trị rủi ro, tạo ra sự nhận thức đầy đủ cũng như trách nhiệm của lãnh đạo, các bộ phận chuyên môn về rủi ro.

Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1, theo đó: Vốn điều lệ 1.270.000.000.000 đồng; Mệnh giá cổ phần 10.000 đồng/cổ phần; Số lượng cổ phần 127.000.000 cổ phần.

Hiện tại, Tổng Công ty có 07 đơn vị phụ thuộc, 01 đơn vị sự nghiệp có thu, 03 Công ty con và 17 Công ty liên doanh, liên kết với tổng số CBCNV là 10.365 người.


Theo ximang.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)