Nhiều doanh nghiệp muốn mang thương hiệu UDIC
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, UDIC vẫn đạt được mức tăng trưởng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng bộ đề ra. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 26.889 tỷ đồng, tăng bình quân 9%/năm; tổng giá trị doanh thu đạt 33.012 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm; tổng lợi nhuận sau thuế 3.395 tỷ đồng, tăng bình quân 11%/năm; tổng số tiền nộp ngân sách trong 5 năm đạt 3.283 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 9%/năm...
Đáng kể hơn, Tổng công ty đã thực hiện thành công mục tiêu đột phá "chuyển dần từ vai trò làm thuê sang làm chủ trong thị trường đầu tư xây dựng, nhanh chóng tạo thế và lực mới cho sự phát triển". Đảng ủy đơn vị chỉ đạo triển khai đồng bộ Chương trình 01 về nâng cao năng lực, hiệu quả đầu tư, đưa đầu tư trở thành lĩnh vực kinh doanh số một của Tổng công ty. 5 năm qua (2010-2015), trong đó có giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng, tỷ trọng giá trị sản lượng từ hoạt động đầu tư trong tổng giá trị sản lượng vẫn đạt hơn 30% (riêng công ty mẹ - Tổng công ty là 41,5%), nhờ thực hiện kịp thời tái cấu trúc dự án, rà soát, phân tích khó khăn - thuận lợi, từ đó tập trung nguồn lực cho dự án có hiệu quả, tính khả thi cao. Cùng với những dự án trên địa bàn Hà Nội, như Trung Yên, Yên Hòa, Nam Thăng Long, Hạ Đình, Nghĩa Đô, UDIC Complex... Tổng công ty đã mở rộng địa bàn đầu tư đến nhiều tỉnh, thành phố, như Phú Quốc (Kiên Giang), Huế, Hà Nam...
Không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu UDIC trên thị trường, nguồn vốn nhà nước tại Tổng công ty đã tăng từ 1.541 tỷ đồng năm 2009 lên 2.750 tỷ đồng năm 2014 (gấp 1,78 lần). Phần lớn các doanh nghiệp thành viên duy trì sự ổn định về chỉ tiêu lợi nhuận, cổ tức, khả năng thanh toán, quay vòng vốn... Quy mô vốn của 14 đơn vị tăng nhờ phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ và bổ sung từ lợi nhuận giữ lại. Nhờ uy tín thương hiệu và năng lực, Tổng công ty đã trúng thầu nhiều công trình trong lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước... trên phạm vi cả nước.
Tại thời điểm chính thức đi vào hoạt động (ngày 1-1-2005), toàn Tổng công ty có 25 đơn vị, trong đó có 10 công ty cổ phần, 11 doanh nghiệp nhà nước bắt đầu thực hiện việc chuyển đổi và 5 công ty liên doanh. Đến nay, việc sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp của phần lớn các công ty đã thực hiện đúng định hướng. Hoạt động của Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã phát huy hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường. Công ty mẹ có điều kiện tập trung tối đa hóa hiệu quả đầu tư phát triển, tích tụ, tập trung vốn và lợi nhuận; định hướng chiến lược hoạt động cho tổ hợp công ty mẹ - công ty con, nghiên cứu đổi mới công nghệ, cơ cấu sản phẩm, phát triển thị trường, phát huy được lợi thế so sánh về vốn, công nghệ, thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường; khắc phục được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị thành viên trong cùng Tổng công ty. Sau 10 năm hoạt động, thương hiệu của công ty mẹ UDIC đã được khẳng định. Đó là một trong những nguyên nhân chính để nhiều doanh nghiệp bên ngoài tự nguyện trở thành thành viên của UDIC.
Khẳng định thương hiệu
Trong nhiệm kỳ III (2015-2020), Đại hội Đảng bộ Tổng công ty UDIC đã thống nhất mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững, bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng, khẳng định vị thế và thương hiệu UDIC, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Thủ đô trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Cùng với đó, thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được UBND thành phố phê duyệt; chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao; các công ty thành viên phát triển mạnh và bền vững, có mối liên kết với nhau ngày càng chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông và người lao động.
Theo đó, khối đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai các dự án hiện có trong 5 năm tới kèm theo dự kiến các nguồn lực, phương án thực hiện. Hoàn thiện theo quy hoạch các dự án Khu đô thị mới Yên Hòa, Hạ Đình, Nghĩa Đô, Nam Thăng Long...; tập trung cho các dự án đang thi công (UDIC Complex; UDIC Riverside 1; G3A - B Khu đô thị Yên Hòa; hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Hạ Đình); đẩy nhanh tiến độ dự án đã đủ điều kiện khởi công (CT2A + CT2C Khu đô thị Nghĩa Đô); chuẩn bị đầu tư dự án UDIC Westlake (CT04 - Nam Thăng Long), NO1 Khu đô thị Hạ Đình để đón bắt thị trường bất động sản đang ấm dần ở mảng căn hộ chung cư trong nội đô và tìm dự án mới qua hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài hoặc nhận chuyển nhượng để phát triển. Tổng công ty cũng tiếp tục duy trì và khẳng định thương hiệu UDIC, lĩnh vực thi công xây lắp phải tăng thị phần trong các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật - giao thông… tại Thủ đô Hà Nội và cả nước. Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng của khối xây lắp là phải nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành, làm chủ công nghệ tiên tiến. Tham gia dự thầu các công trình có quy mô lớn, đa dạng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao… và tham gia các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng phục vụ dân sinh, như nhà ở xã hội, cải tạo cảnh quan môi trường.
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: Tăng trưởng sản xuất kinh doanh bình quân 8-9%/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 8.900 tỷ đồng, năm 2015 đạt 5.960 tỷ đồng. Tăng trưởng về doanh thu bình quân 7-9%/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 10.200 tỷ đồng, năm 2015 đạt 7.115 tỷ đồng. Diện tích nhà ở bình quân 130.000m2 - 150.000m2/năm, phấn đấu trong 5 năm sẽ xây dựng được 700.000m2 nhà ở cho thành phố. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 7-8%/năm, trong đó năm 2015 đạt 5,7-5,8 triệu đồng/người/tháng...
Theo Hà Nội mới