Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014 có nhiều nét mới
Ngoài Giải thưởng Lớn, 3 giải Vàng đã được trao cho tác phẩm Nhà ở Bình Thạch của nhóm tác giả Võ Trọng Nghĩa, Shunri Nishizawa, Daisuke (Cty TNHH Võ Trọng Nghĩa) ở thể loại nhà ở đơn lập; tác phẩm Sơn La Restaurant của các tác giả Võ Trọng Nghĩa, Vũ Văn Hải, Ngô Thùy Dương, Trần Mai Phương (Cty TNHH Võ Trọng Nghĩa) ở thể loại công trình dịch vụ, khách sạn, nghỉ dưỡng; bộ 6 cuốn sách về kiến trúc - quy hoạch thế giới của cố PGS Trần Hùng ở thể loại ấn phẩm kiến trúc.
23 tác phẩm khác thuộc các thể loại công trình cũng đã được trao Giải thưởng Hội đồng.
Điều nổi bật ở GTKTQG 2014 là lần đầu tiên trong 20năm GTKTQG được tổ chức (2 năm/1lần) có tác phẩm đạt được Giải thưởng Lớn. Đây là phần thưởng cao quý dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trong toàn bộ các tác phẩm dự giải. Đáng mừng hơn nữa là Nhà Quốc hội đã giành được sự đồng thuận tuyệt đối của 15/15 thành viên Hội đồng.
Một khác biệt nữa so với GTKTQG trước (thường xét chọn và trao giải vàng, bạc, đồng chung cho tất cả các thể loại công trình, tác phẩm dự giải) thì từ năm 2014, Hội đồng Giải thưởng xem xét, đánh giá các tác phẩm theo 16 nhóm thể loại riêng biệt. Như đã đề cập, ngoài Giải thưởng Lớn, Giải Vàng được trao cho tác phẩm tốt nhất, đáp ứng hầu hết các tiêu chí trong mỗi thể loại và Giải thưởng Hội đồng được trao cho một số tác phẩm nổi trội theo từng mặt riêng ở mỗi thể loại tương ứng.Đặc biệt, lần đầu tiên tại GTKTQG 2014, Hội đồng Giải thưởng xét riêng thể loại tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của KTS nước ngoài và lần đầu tiên ban tổ chức trao tặng danh hiệu “Nhà đầu tư thông minh” cho các chủ đầu tư có tác phẩm đạt GTKTQG, tích cực đổi mới trong quan điểm đầu tư, có ý thức bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Giải thưởng Lớn, 2 Giải Vàng và 23 Giải thưởng Hội đồng đã được trao cho các tác phẩm dự giải GTKTQG 2014.
Lý giải về sự thay đổi này, Chủ tịch Hội đồng GTKTQG, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết: Những năm qua, GTKTQG đã thể hiện rõ vai trò lớn của mình trong các hoạt động của nghề KTS, trong việc thúc đẩy sáng tạo kiến trúc, góp phần định hướng phát triển lành mạnh nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực này. Để đánh dấu mốc son này, GTKTQG 2014 đã cố gắng đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa uy tín của giải thưởng và tôn vinh rõ nét hơn các thành tựu kiến trúc của giới KTS.
Các KTS trẻ chiếm ưu thế
Nhận định chung về GTKTQG 2014, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, của thị trường BĐS, việc GTKTQG 2014 nhận được sự hưởng ứng của120 tác phẩm dự giải, thể hiện lòng yêu nghề và nhiệt tình của giới KTS trong nước và quốc tế đã nỗ lực làm việc trên đất nước Việt Nam trong thời gian qua.
Các tác phẩm gửi tới Hội đồng Giải thưởng (HĐGT)kỳ này khá phong phú về thể loại, quy mô và ở các vùng miền khác nhau của tổ quốc. Nhìn chung, những tác phẩm đạt giải thưởng đều được thiết kế theo xu hướng kiến trúc hiện đại, đơn giản nhưng vẫn đậm đà bản sắc địa phương, chú trọng đến các yếu tố “xanh” và môi trường cảnh quan xung quanh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân, người sử dụng… “Đó cũng là định hướng chính của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam trong quá trình hội nhập thế giới” - KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh.
Giải thưởng kỳ này cũng ghi nhận sự nỗ lực và sự vươn lên đạt nhiều giải thưởng của các KTS trẻ. Các tác phẩm như Trường mầm non Xanh, Nhà ở Bình Thạnh, Nhà tổ chim, Chiếc lều… hầu hết là những công trình có quy mô không lớn nhưng đều được đánh giá cao cả về tính sáng tạo, về sử dụng vật liệu, tổ chức không gian, ngôn ngữ kiến trúc thể hiện sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa ý tưởng với giải pháp.
Bên cạnh đó, các KTS và công ty tư vấn thiết kế nước ngoài vẫn tiếp tục đóng góp những dấu ấn đáng kể qua các công trình đương đại. Nổi bật là công trình Nhà Quốc hội, Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh. Đây là những công trình lớn có tính sáng tạo và quan điểm riêng trong sáng tác với việc xử lý không gian, kỹ thuật phức tạp, lại được xây dựng ở những vị trí đặc biệt nhạy cảm nên không tránh khỏi những nhìn nhận khác nhau từ dư luận xã hội.
Tín hiệu đáng mừng nữa tại GTKTQG 2014 là sự hiện diện của các công trình kiến trúc xanh đã rõ nét hơn. Đơn cử, ở thể loại nhà ở tổ hợp đã nổi lên những công trình đáng khích lệ, nhất là loại hình nhà ở chi phí thấp, đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh như Khu nhà ở công nhân KCN Nhơn Trạch, Khu nhà ở xã hội NO1, NO2 Đặng Xá II. 2 tác phẩm này thành công cả về quy hoạch, tổ chức không gian công cộng, không gian xanh lẫn giải pháp thiết kế căn hộ…
Một số khu nhà ở thương mại tiến bộ khác như chung cư Mulberry Lane hay cụm chung cư Rừng Cọ - Eco Park đã thoát khỏi thời kỳ bị chi phối của yêu tố đầu cơ mà chú trọng chất lượng thiết kế, đáp ứng ước muốn của người ở về các căn hộ bố trí hợp lý, chiếu sáng và thông gió tự nhiên, không gian công cộng thân thiện, cảnh quan môi trường dễ chịu.
Thiếu vắng các tác phẩm bảo tồn di sản…
Bên cạnh những kết quả đạt được, GTKTQG 2014 cũng còn một số hạn chế. Số lượng đồ án thiết kế nhà ở và quy hoạch nông thôn tham dự Giải thưởng kỳ này còn ít về số lượng, nghèo về giải pháp đề xuất.
Quy hoạch nông thôn chưa thực sự gắn liền với cơ cấu sản xuất nông thôn, chưa có tính đổi mới mà vẫn rập khuôn theo các công thức hướng dẫn quy hoạch. Vì vậy mà thiết kế quy hoạch cũng như nhà ở nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của cuộc sống người dân nông thôn ngày nay.
Cũng tại GTKTQG lần này, các đồ án quy hoạch ít có sự nổi trội về cấu trúc tổ chức không gian, chưa tạo được động lực phát triển. Không nhiều đồ án thể hiện thái độ về việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, một số đồ án thậm chí còn đi theo xu hướng áp đặt của thị trường BĐS mà chưa thấy sự tác động của KTS theo hướng tích cực.
Giải thưởng năm nay cũng cho thấy sự thiếu vắng các công trình kiến trúc công nghiệp, dự án bảo tồn di sản và đặc biệt là ấn phẩm lý luận phê bình kiến trúc - một vấn đề được Hội KTS Việt Nam hết sức đề cao trong lĩnh vực đào tạo và định hướng nền kiến trúc nước nhà.
Theo đánh giá của Hội đồng GTKTQG năm 2014, công trình Nhà Quốc hội có quy mô lớn, chức năng phức tạp, lại được đặt ở một vị trí hết sức nhạy cảm. Tác giả đã khéo tổ hợp mặt bằng tổng thể, phân vị mặt đứng cũng như tổ chức không gian, hình khối công trình hài hòa với cảnh quan, không phá vỡ không gian lịch sử của trung tâm chính trị Ba Đình, không ảnh hưởng tới khu bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Các hình khối vuông - tròn tượng trưng cho đất - trời trong ý thức từ cổ xưa của người Việt, được tác giả tổ hợp chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng tốt dây chuyền chức năng hội họp và làm việc cho Quốc hội, đạt hiệu quả cao về sử dụng đất. Công trình cũng đáp ứng các tiêu chí kiến trúc xanh nhờ vận dụng giải pháp thiết kế thụ động qua các lam chắn nắng, vườn cây xanh xen kẽ giữa các khối làm việc, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, pin năng lượng mặt trời, hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải… |
Theo : Báo Xây dựng điện tử.