8 tháng: Xi măng tiêu thụ đạt 42,53 triệu tấn
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), lượng xi măng tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2014 là 42,53 triệu tấn, bằng 108% so với cùng kỳ và đạt 68,6% kế hoạch năm 2014.
Tiêu thụ nội địa 8 tháng 2014 ước đạt 32,85 triệu tấn, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu xi măng trong 8 tháng qua cũng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định với mức 9,68 triệu tấn, bằng 109% so với 8 tháng năm 2013.
Cụ thể, lượng xi măng tiêu thụ trong tháng 8/2014 ước đạt khoảng 5,29 triệu tấn, bằng 102% so tháng 7/2014 và bằng 103% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ trên thị trường nội địa ước đạt 4,19 triệu tấn, bằng mức tiêu thụ như tháng 7/2014 và tăng 9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là xi măng xuất khẩu trong tháng 8 đạt kết quả khá ấn tượng, ước đạt 1,10 triệu tấn, tăng 12% so với tháng 7/2014.
Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, hiện giá bán xi măng cuối nguồn tháng 8 vẫn tương đối ổn định, không có biến động nhiều. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu cho thấy thị trường này vẫn phát đi những tín hiệu khả quan do tác động tích cực của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2013, một số mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) có mức tăng tiêu thụ khá tốt. 7 tháng đầu năm 2014, xi măng tiêu thụ được trên 33 triệu tấn, tăng khoảng 12%. Đây được xem là tín hiệu tích cực sau 3 năm giảm cả giá và lượng tiêu thụ liên tiếp. Những loại VLXD khác như sơn, tôn, đá, cát, kính xây dựng... cũng có xu hướng tăng cầu do hàng loạt công trình xây dựng nhà ở xã hội đang đến giai đoạn hoàn tất.
Tháng 8, tiêu thụ thép vẫn ở mức thấp do nhu cầu giảm
Theo báo cáo của Bộ Công thương, sức tiêu thụ của các nhà máy vẫn chậm trong tháng 8 do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, sản lượng tiêu thụ chỉ tập trung vào những công trình đang dở dang, chưa có công trình mới.
Ngoài ra, nhu cầu xây dựng của khu vực dân dụng cũng giảm sút trong tháng này, vì theo yếu tố mùa vụ, tháng 7 và tháng 8 là thời điểm mùa mưa bão và tháng mưa ngâu nên tiêu thụ đạt mức thấp trong năm.
Do tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh với thép Trung Quốc, các nhà sản xuất thép trong nước đã giảm giá bán, chủ yếu dưới các hình thức như hỗ trợ vận chuyển, tăng chiết khấu sản lượng, tăng hỗ trợ công trình.
Tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh với thép ngoại, các nhà sản xuất thép trong nước đang tích cực tìm mọi biện pháp tồn tại trước thị trường
Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, tồn kho cao, một số nhà máy khu vực phía Bắc đã phải dừng sản xuất.
Về hoạt động sản xuất, báo cáo cho thấy trong tháng 8, sản lượng sắt thép thô ước đạt 280,5 nghìn tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 291,1 nghìn tấn, tăng 15,6%; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 294,6 nghìn tấn, tăng 6,6%.
Tính chung 8 tháng, sản lượng sắt thép thô đạt 1,95 triệu tấn, giảm 0,01% so với cùng kỳ; thép cán đạt 2,31 triệu tấn, tăng 22,8%; thép thanh, thép góc đạt 2,29 triệu tấn, tăng 5,1%.
Nhập khẩu thép các loại từ các thị trường trong tháng 8 tăng 43,4% về lượng và 39,1% về trị giá. Tính chung 8 tháng, nhập khẩu thép các loại tăng 14,4% về lượng, tăng 7,1% về trị giá, tuy nhiên nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 2,9% về trị giá.
Tín hiệu tích cực từ thị trường VLXD phía Nam
Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình kinh tế Thành phố nói chung đang ổn định và có xu hướng phát triển nhanh, thị trường VLXD cũng có chiều hướng biến động khi kinh doanh bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp yên tâm xây dựng kế hoạch, đầu tư mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, mùa mưa đang đến ở khu vực phía Nam gây nên quan ngại hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp sản xuất VLXD bị ảnh hưởng. Với thép xây dựng, nhiều khả năng từ nay đến cuối năm 2014 sẽ không tăng về sản lượng, do các nhà máy cân đối cung - cầu khi vào mùa mưa ở phía Nam. Giá bán thép trong nước và trên thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ổn định, thậm chí có nhà sản xuất còn có xu hướng giảm giá để đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, gạch không nung có thể vẫn khó khăn sau 4 năm thực hiện chương trình phát triển VLXD không nung.
Thị trường VLXD TP.HCM cũng có chiều hướng biến động tích cực khi kinh doanh bất động sản có dấu hiệu phục hồi.
Nhưng nguồn cầu về VLXD có thể không sụt giảm đến mức quan ngại. Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, những dự báo về thị trường VLXD hiện nay cần tính đến sự gia tăng đáng kể những dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án căn hộ, khu dân cư tại những thành phố lớn trong cả nước đang có động lực hoàn thành. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh chương trình nhà ở xã hội đang khởi công 1 dự án tại quận 2, quy mô 304 căn, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xem xét chuyển đổi 2 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là Dự án Khu chung cư kết hợp thương mại Hòa Nguyễn (quận Tân Bình) và Dự án Khu đô thị mới Nam thành phố.
Ngoài ra, do nhu cầu trong dân về nhà ở với mức giá dưới 1 tỷ đồng vẫn đang rất cao, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản liên tục đầu tư hoàn tất nhanh dự án. Điều này cũng khiến thị trường VLXD tăng cầu. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, chủ đầu tư hàng loạt chung cư có giá trung bình, nếu nhà đầu tư giỏi tính toán, vẫn có lãi từ các dự án căn hộ chung cư.
Hiện nay, các dự án chung cư đều sử dụng nguồn VLXD trong nước, trong đó nhiều loại sản phẩm chất lượng tốt, giá thành phù hợp. Doanh nghiệp cung cấp VLXD trong nước để tiêu thụ được hàng đã dành rất nhiều chế độ giảm giá, hậu mãi cho nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng tích cực hơn đến giá thành căn hộ khi đến tay người tiêu dùng. Điều này khiến tiêu thụ bất động sản có chiều hướng tốt lên, ngược lại tác động thị trường VLXD với sản phẩm nội có hướng tiêu thụ tốt hơn.
Theo Báo Xây dựng điện tử