Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ góp phần khơi thông thị trường bất động sản.
Tại Hội nghị này, VNCB sẽ ký kết hợp tác triển khai chương trình với các Ngân hàng liên minh cung ứng vốn như MBBank, OceanBank, SCB, Nam Á Bank, VP Bank, HD Bank… Đồng thời, VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sẽ ký kết với các doanh nghiệp ngành Xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản như: Viglacera, FiCO, Thép Thái Nguyên, Cty Xây dựng miền Trung 579, Cty CP Bất động sảnHải Phòng…
Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho biết, mục tiêu của chương trình là hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết 4 nhà trong ngành xây dựng, xây dựng Sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm lưu thông tiền mặt góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ...
Điểm ưu việt của chương trình là tất cả các bên tham gia (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà tổ chức, nhà sản xuất vật liệu xây dựng - ngân hàng) cùng ký kết trên 1 Hợp đồng; nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi.
Việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong chuỗi được thực hiện thông qua nhà tổ chức chợ/sàn mua bán vật liệu xây dựng với các dự án khả thi, nhà sản xuất được cho vay không nhất thiết cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng vật liệu xây dựng cung ứng cho công trình, phương thức trả chậm, các ngân hàng chủ động tiếp cận doanh nghiệp, các doanh nghiệp có khoản nợ ở các ngân hàng khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.
Trong chuỗi liên kết, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, kết nối cùng các ngân hàng thương mại cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành Xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản.
Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh vật liệu xây dựng - TTBNT đầu tiên trên cả nước nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu xây dựng trên cả nước.
Mô hình sàn kinh doanh vật liệu xây dựng-TTBNT sẽ là giải pháp chuyên nghiệp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Cty địa ốc Đất Lành, 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia chuỗi liên kết 4 nhà cho biết: "Sáng kiến của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh trong việc xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà là rất kịp thời và phù hợp với tình hình hiện nay. Chương trình này nhằm bảo đảm tiền từ ngân hàng không chuyển thẳng vào doanh nghiệp bất động sản mà vào đơn vị thi công và cung ứng vật liệu xây dựng. Như vậy sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tái khởi công lại dự án dở dang. Đây được xem như là một cú hích có thể phá băng thị trường bất động sản, khôi phục niềm tin cho thị trường vốn đã giảm sút rất nhiều trong thời gian qua nếu được sử dụng đúng cách".
Ông Đực cho biết thêm, thực tế nhiều chủ đầu tư chỉ thiếu vài chục đến vài trăm tỷ đồng mà dự án đành bị dở dang, không đúng tiến độ... gây bức xúc cho xã hội, làm người dân thất vọng, mất niềm tin vào thị trường bất động sản. Tham gia chương trình này doanh nghiệp sẽ tiếp tục được "bơm" vốn, nhờ đó sẽ thoát khỏi khó khăn, góp phần làm tăng nguồn cung căn hộ giá trung bình cho thị trường, giúp người dân sớm tiếp cận được nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình.
Được biết, mục tiêu chính của chương trình tín dụng liên kết 4 nhà là: Góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng; Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục đầu tư, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang có nợ quá hạn có thể vay vốn, giúp dự án có đủ vốn để triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; Tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền; đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng; Củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, tạo ra năm “yên tâm” trong xây dựng cơ bản: Tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng, chủ đầu tư yên tâm đầu tư, nhà thầu yên tâm thi công, nhà cung cấp yên tâm cung cấp vật liệu, thiết bị; người mua yên tâm góp vốn; Giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp, tiết kiệm nguồn vốn cho vay đối với công trình, dự án đầu tư; Nâng cao tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần chống tham nhũng, thất thoát lãng phí, tiêu cực.
Trong chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho vay thương mại và sản xuất, VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10 nghìn tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho vật liệu xây dựng và được quay vòng trong năm 2014.
Đặc biệt hình thức cấp tín dụng là bằng hàng hóa vật liệu xây dựng với các phương thức như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thanh toán thuế xuất - nhập khẩu, bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh đối ứng và các nghiệp vụ tín dụng khác liên quan đến cung ứng vật liệu xây dựng.
Qua đó, hàng hóa là vật liệu xây dựng sẽ được trả chậm đến tận chân các dự án, các công trình xây dựng. Với cấu trúc chuỗi liên kết khép kín 4 nhà này, VNCB cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm dịch vụ và tín dụng cho mua, xây, sửa nhà với hình thức vay trả chậm đến 15 năm với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và các dịch vụ.
Để củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng/bất động sản, vai trò của các ngân hàng thương mại đóng vị trí quan trọng nhằm giám sát quá trình vận động dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng.
Ngân hàng Nhà nước đang chủ trương nghiên cứu đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi liên kết 4 nhà. Theo đó, các ngân hàng ký hợp đồng liên kết 4 bên với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng để kiểm soát dòng vốn an toàn, hiệu quả.
Hiện nay đã có 8 ngân hàng đã đăng ký với Vụ Tín dụng Ngân hàng nhà nước tham gia chương trình liên kết 4 nhà là Ngân hàng TM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt
Nam AgriBank, Ngân hàng TM CP Ngoại thương Việt nam Vietcombank, Ngân hàng TM CP Công thương Việt nam Vietinbank, Ngân hàng Nhà đồng bằng sông Cửu Long MHBank, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Ngân hàng SHBank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Mỗi ngân hàng nói trên có quyền xây dựng một chuỗi các Ngân hàng hợp tác riêng của mình.
Đồng thời với VNCB, một số ngân hàng chuyên ngành nước ngoài cũng đã ký kết để cùng tham gia chương trình này. Các Ngân hàng TM CP khác cùng tham gia chuỗi của Ngân hàng VNCB là Ngân hàng TM CP Quân đội MBBank, Ngân hàng TM CP Sài gòn Thương Tín Sacombank, Ngân hàng TM CP Đại Dương OceanBank, Ngân hàng TM CP Sài gòn SCB, Ngân hàng TM CP Quốc Dân NCB, NHgân hàng TM CP Nam Á NamABank...
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngành ngân hàng: “Chương trình 50.000 tỉ hỗ trợ xây dựng và bất động sản dựa trên thực tế kinh doanh của xây dựng và bất động sản: Sự dịch chuyển của hàng hóa (vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào) và sự dịch chuyển của lượng tiền tệ (tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc) để hỗ trợ sự dịch chuyển hàng hóa. Hai khâu này tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau nhưng thực tế những năm gần đây hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau ra và gây nên khủng hoảng trong lãnh vực xây dựng và thị trường bất động sản. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán. Chương trình 50.000 tỉ theo tôi đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế này và đã thiết kế một cơ chế hợp lý để nối kết hai khâu hàng hóa và tiền tệ/tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ và cuối cùng là kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm bất động sản cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia chương trình”. TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: “Theo tôi mô hình liên kết “4 nhà” là tổ hợp cung ứng vốn và cung ứng vật liệu xây dựng được triển khai rộng cho các công trình nội đô và các khu đô thị mới. Qua đó, sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả 3 nhà: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng đều nợ ngân hàng và nguy cơ dẫn đến nợ xấu rất cao”.
|
Theo Báo Xây dựng điện tử