Dự án hợp tác đầu tiên được CUWC triển khai từ năm 1996, đào tạo cho các Cty nước trong phạm vi toàn quốc. Đây là dự án hợp tác trên cơ sở pháp lý của Hiệp định đã ký giữa Chính phủ Pháp và Việt Nam năm 1995, cùng quyết định đầu tư số 325/BKH-VPTĐ ngày 23/11/1996.
Qua dự án này, 6 giáo viên đã được đào tạo chuyên ngành nước tại Pháp; cơ sở lý luận được bổ sung, nhiều giáo trình đã được biên soạn như: Tài liệu chuyên ngành hẹp dùng để bồi dưỡng ngắn hạn cho CBCNV ngành nước; biên dịch sách kỹ thuật sổ tay xử lý nước, công nghệ xử lý nước thải đô thị của André La Mouche, từ điển kỹ thuật ngành nước... Hơn 1.200 học viên Việt Nam, Lào, Campuchia đã được Trung tâm đào tạo. Sau khi Dự án kết thúc, Trung tâm đã đào tạo thêm khoảng 1 nghìn học viên cho các Cty Cấp thoát nước và kinh doanh nước sạch với nhiều nội dung đào tạo mới, cập nhật phù hợp với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến.
Cơ sở vật chất của Trường qua đó đã được đầu tư mạnh như: Trạm xử lý nước mặt 140m3/ngđ, trạm xử lý nước ngầm 1 nghìn m3/ngđ, xưởng hàn, xưởng lắp đặt và bảo dưỡng, trạm xử lý nước mặt, trạm xử lý nước ngầm và nhiều xưởng phục vụ cho ngành nước... Nhờ đó, CUWC đã có đủ khả năng tiến hành thực hiện các khóa đào tạo cho các Cty cấp thoát nước của Việt Nam và triển khai dự án đào tạo do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.
Đặc biệt, từ năm 2005 - 2007, dự án đã cử các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước khảo sát nhu cầu đào tạo của các đơn vị được hưởng lợi từ dự án. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình đào tạo cho các đơn vị, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, chuyên gia phục vụ cho các hoạt động của dự án. Đã có 99 lượt lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của 9 Cty tham gia các khóa tập huấn; Nhà trường cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn tại chỗ cho các Cty; tổ chức tham quan học tập 1 tuần về công nghệ cấp thoát nước tiên tiến tại Malaysia cho các cán bộ chủ chốt của các Cty cấp nước. Dự án cũng tiến hành biên soạn cẩm nang tra cứu và chuyển tới cho các Cty tham gia dự án như: Cẩm nang vận hành, quản lý mạng, quản lý thất thoát và rò rỉ...
Tháng 6/2010, CUWC tiếp tục triển khai dự án hợp tác kỹ thuật Nhật Bản phát triển nguồn nhân lực cho các Cty cấp nước đô thị tại miền Trung. Dự án sẽ được triển khai trong 36 tháng, do 6 chuyên gia Nhật Bản và 7 cán bộ của Trung tâm phụ trách nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các Cty cấp nước miền Trung, hướng tới kế hoạch cấp nước an toàn; xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm; đào tạo và bồi dưỡng cho các giáo viên của Trung tâm; biên soạn tài liệu, giáo trình; tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành cấp nước đô thị... Hiện Trung tâm đào tạo đang biên soạn chương trình khung đào tạo cho chuyên ngành cấp nước đô thị trong nhiều lĩnh vực.
Cùng với các dự án hợp tác trên, lãnh đạo Nhà trường cũng không ngừng tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, thành lập các trung tâm đào tạo mới như: Trung tâm đào tạo nghề xây dựng Việt - Đức. Sau 3 năm hợp tác, các bên đã ký thỏa thuận về việc mở khóa bồi dưỡng giáo viên tại CHLB Đức thuộc 3 nghề: Kỹ thuật xây dựng, điện và hàn. Điều này sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa các bên.
Mới đây, Tập đoàn Vật liệu xây dựng XELLA cũng đã đề nghị được hợp tác vào quá trình đào tạo như: Cung cấp vật liệu bê tông khí chưng áp (AAC), xây dựng nhà mẫu bằng AAC tại CUWC, hỗ trợ các bên biên dịch tài liệu, giáo trình đào tạo trong tương lai.
TS Nguyễn Bá Thắng - Hiệu trưởng CUWC cho biết, việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các bên sẽ góp phần xây dựng Trung tâm Việt - Đức trở thành cơ sở mạnh về tư vấn và chuyển giao công nghệ kỹ thuật xây dựng tiên tiến; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế cho ngành Xây dựng trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo Báo Xây dựng điện tử