Viện Khoa học công nghệ xây dựng: 50 năm xây dựng và phát triển

Thứ sáu, 15/11/2013 14:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cách đây tròn 50 năm, ngày 18/11/1963 Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) được thành lập với tên gọi ban đầu là Viện Thí nghiệm Vật liệu Xây dựng, năm 1974 đổi tên thành Viện Khoa học Kỹ thuật Xây dựng và từ năm 1996 đến nay mang tên Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện đã từng bước trưởng thành cùng với sự phát triển chung của đất nước và 55 năm phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam. Viện hoạt động theo mô hình của Tổ chức Khoa học và Công nghệ tự trang trải kinh phí với chức năng và nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao là: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong xây dựng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến thông tin về lĩnh vực tiêu chuẩn hoá xây dựng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế và thông tin về khoa học công nghệ xây dựng; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng; xuất nhập khẩu thiết bị và vật tư xây dựng, kinh doanh và thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng.

Viện hiện có tổng số 592 CBCNV, trong đó có 7 giáo sư, phó giáo sư, 48 tiến sỹ, 86 thạc sỹ, 400 kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân. Có hệ thống 11 phòng thí nghiệm, kiểm tra kiểm định và chứng nhận chất lượng với máy móc thiết bị hiện đại trên cả nước. Viện hợp tác nghiên cứu khoa học với 20 nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới.

Lĩnh vực địa kỹ thuật là một trong những thế mạnh của Viện. 50 năm qua, Viện đã nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao nhiều phương pháp khảo sát tiên tiến, công nghệ xử lý nền và móng công trình. Đó là khảo sát địa kỹ thuật bằng phương pháp tiên tiến trong phòng và hiện trường; Xử lý nền đất yếu bằng trụ đất-xi măng, bấc thấm; Công nghệ cọc trong điều kiện đặc biệt (hang động karst, sườn dốc, nền đang cố kết…); Cọc ép phục vụ gia cường nền móng hoặc xây mới công trình; Thi công hố đào trong đất yếu và trong đô thị… Các công nghệ kể trên đã được áp dụng trong thực tế, phục vụ tốt cho việc xây dựng công trình trong điều kiện đất nền đa dạng ở Việt Nam. Viện đã có những giải pháp xử lý nền móng trong vùng có hang động karst tại Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn; Đánh giá nguyên nhân sự cố và xử lý chống lún các hạng mục công trình của Kho - cảng khí Thị Vải, Cầu Cần Thơ, Hầm dìm Thủ Thiêm, hầm chui Văn Thánh, một số hạng mục thuộc Nhà máy xi măng Nghi Sơn… Nhiều sản phẩm và hóa phẩm xây dựng do Viện sản xuất đã được phân phối rộng rãi trên thị trường, được tín nhiệm và có khả năng cạnh tranh tốt đối với các sản phẩm ngoại nhập như phụ gia hóa dẻo, siêu dẻo, chậm đông kết dùng cho hỗn hợp bê tông, phụ gia hóa dẻo ức chế ăn mòn cốt thép trong bê tông… Các loại sơn như sơn chống thấm xi măng - polyme; Chất bảo dưỡng bê tông... Viện đã nghiên cứu, sử dụng các vật liệu và công nghệ bê tông tiên tiến trong sửa chữa và gia cường kết cấu công trình; Thử nghiệm và kiểm định chất lượng bê tông tại nhiều công trình thuỷ điện, hoặc những công trình có ý nghĩa chính trị quan trọng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội mới, Văn phòng Chính phủ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Khu liên hợp thể thao quốc gia…

Lĩnh vực kết cấu và công nghệ xây dựng giữ vai trò then chốt trong các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện. Một số công nghệ đã được chuyển giao như công nghệ bê tông ứng lực trước; sửa chữa và gia cường kết cấu công trình; công nghệ sửa chữa công trình nhà dân sau động đất; công nghệ giàn lưới không gian nhịp lớn; công nghệ phòng chống cháy; Các công trình trọng điểm hỗ trợ trong lĩnh vực kết cấu và công nghệ xây dựng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Toà nhà Phủ Chủ tịch, Các nhà máy xi măng, một số lượng lớn các nhà cao tầng và siêu cao tầng; Giàn không gian nhịp lớn công trình công nghiệp, thể thao, văn hóa như Nhà máy xi măng Sông Thao, Sân vận động Đông Hà - Quảng Trị, Nhà hát Ca múa nhạc Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội, nhà thi đấu Bắc Ninh, Cụm công trình Đa năng - Bắc Ninh... Các khu chung cư cũ nhiều tầng; đường dây 500KV thuộc lưới điện Quốc gia…

Viện có nhiều đề tài nghiên cứu chống ăn mòn và bảo vệ công trình như giải pháp công nghệ, vật liệu chống ăn mòn hoá chất và ăn mòn vùng biển; chống thấm công trình, đặc biệt là các công trình ngầm và đập thủy điện; các loại sơn chịu nhiệt, các chất tẩy gỉ thép; các loại sơn trang trí chống thấm, mốc. Viện đã chống thấm nhiều công trình xây dựng mới và công trình sửa chữa như Nhà họp Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhà làm việc các Ban Đảng; thi công các công trình vùng biển và các công trình chịu ăn mòn hoá chất: Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy Đạm Phú Mỹ... Công nghệ chống thấm công trình ngầm tại công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia, bể nước ngầm Nhà Chính phủ tại 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội; tầng hầm, bể nước ngầm công trình CT 21 KĐT Ciputra; sàn đáy tầng hầm HH4 Sông Đà; Công trình Trung tâm thương mại Tràng Tiền và nhiều công trình khác.

Các lĩnh vực như trắc địa công trình, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, trùng tu di tích… đã được Viện thực hiện thành công như các công trình thuộc cụm di tích Cố đô Huế, Chùa Thiên Mụ, Trường Lang - Tử Cấm Thành, Điện Biểu Đức - Lang Thiệu Trị, Cung An Định; Các di tích khác như tháp Mỹ Khánh (Huế), cụm tháp Hòa Lai (Ninh Thuận), tháp cổ Vĩnh Hưng (Bạc Liêu)... các công trình có ý nghĩa chính trị quan trọng như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch…

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, với sự cố gắng nỗ lực và những thành tích đạt được, Viện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005, Huân chương Lao động các hạng, Huân chương Độc lập các hạng; nhiều năm liên tục được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Viện vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai.

Những thành tích đã đạt được trong 50 năm qua và uy tín của IBST trong lĩnh vực xây dựng ở trong và ngoài nước là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể CBCNV; là sự phối hợp trong nghiên cứu và triển khai của các chuyên gia trong và ngoài ngành, là sự chỉ đạo lãnh đạo, giúp đỡ của Bộ Xây dựng. Viện xin trân trọng cám ơn mọi sự giúp đỡ và hợp tác trên và hy vọng trong tương lai các mối quan hệ trên tiếp tục được củng cố và phát huy trên tầm cao mới để uy tín và thương hiệu của IBST ngày một rạng rỡ và góp phần tích cực cho sự phát triển của đất nước Việt Nam.


TS Trịnh Việt Cường
Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)