Báo cáo tổng kết nhiệm kì vừa qua đã nêu rõ: Trong 3 năm qua (2010-2013), tình hình kinh tế thế giới suy giảm mạnh, kinh tế trong nước giảm sút kéo theo nguồn lực kinh tế của các doanh nghiệp trong nước bị suy yếu, số doanh nghiệp bị ngừng hoạt động hoặc phá sản ngày càng tăng và các doanh nghiệp ngành xi măng cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Nhu cầu tiêu thụ nội địa suy giảm, giá các nguyên liệu đầu vào như: điện, than, xăng dầu và các vật tư khác... tiếp tục tăng cao trong khi giá xi măng tăng không tương xứng với mức tăng của giá đầu vào, nên không bù đắp được, dẫn tới lợi nhuận có chiều hướng thu hẹp, giảm dần. Một số cơ sở xi măng lò đứng bắt đầu giai đoạn thua lỗ, thu hẹp và ngừng sản xuất. Mặt khác, trước xu thế cắt giảm đầu tư công và thắt chặt tín dụng, chi phí vốn vay cao (lãi suất cho vay ở mức trên 20%) trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng suy giảm dẫn tới một số doanh nghiệp xi măng đã phải hạn chế sản xuất để giảm tổn kho, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất; phần lớn các doanh nghiệp đều bị sụt giảm lợi nhuận, không có khả năng trả nợ vốn đầu tư, một số doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và Nhà nước đã phải đứng ra trả nợ thay cho 3 công ty xi măng là: Tam Điệp, Đồng Bành và Quang Sơn.
Trước những khó khăn chung của toàn ngành xi măng trong những năm vừa qua, phương thức hoạt động của Hiệp hội đã có những thay đổi cho phù hợp. Thường trực Hiệp hội đã bám sát hơn thực tế sản xuất kinh doanh đầu tư của các Công ty hội viên, tăng cường tới các cơ sở, kịp thời phát hiện những khó khăn của các công ty hội viên, tổ chức các hội nghị bất thường bàn các chuyên đề về đầu tư phát triển, về xuất khẩu..., thống nhất các giải pháp hợp tác thực hiện giữa các công ty hội viên. Phát huy vai trò của mình, Thường trực Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội nghị giữa các công ty hội viên xi măng có xuất khẩu để trao đổi thông tin, chấn chỉnh những hiện tượng thiếu hợp tác với nhau trong hoạt động xuất khẩu, dần dần tạo lập thị trường xuất khẩu lành mạnh hơn. Trong lĩnh vực hoạt động quốc tế, Hiệp hội đã tham gia tích cực vào mọi hoạt động của Hiệp hội Xi măng Đông Nam Á và đã tổ chức thành công Hội nghị Kĩ thuật xi măng quốc tế lần thứ 22 vào năm 2010.
Các ý kiến tham luận tại Đại hội của đại diện các doanh nghiệp là hội viên Hiệp hội đã tập trung xoay quanh các vấn đề: cần nâng cao vai trò của Hiệp hội trong vấn đề phối hợp giữa các thành viên Hiệp hội; giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất, thị trường; cần xây dựng lộ trình tăng giá xi măng hợp lý cho phù hợp với tình hình tăng giá của các yếu tố đầu vào; các nhà máy sản xuất cần tận dụng triệt để hệ thống dây chuyền thiết bị sẵn có, nâng cao năng suất thiết bị, tiết giảm chi phí; cần có cơ chế đầu tư hợp lý giúp các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ...
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nêu rõ: hiện nay, Chính phủ đang đứng trước sự lựa chọn giữa ổn định kinh tế vĩ mô hay tăng trưởng và với sự lựa chọn nào cũng sẽ có những tác động tiêu cực nhất định tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động của ngành xi măng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần theo dõi sát và có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có những đề xuất với Chính phủ, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ giảm khó khăn cho toàn ngành như: đưa xi măng vào các công trình giao thông, đường xá, cầu cảng, tàu điện ngầm, đường trên cao; nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho xuất khẩu...
Thứ trưởng cho rằng năm 2014 sẽ còn tiếp tục khó khăn, tổng đầu tư toàn xã hội giảm mạnh, nhưng so với nhiều ngành khác, sản xuất xi măng vẫn có cơ hội để phát triển do Chính phủ vẫn đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Mặt khác, ngành xi măng phải đẩy mạnh công tác xuất khẩu với giá hợp lý, đây là cứu cánh cho ngành trong bối cảnh thị trường BĐS trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét.
Đại hội cũng đã thông qua phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kì tới (2013-2016) với một số nhiệm vụ cụ thể như: tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu clinker - xi măng và tạo dựng một thị trường xuất khẩu có tổ chức; tiếp tục đổi mới công nghệ, đặc biệt là việc lắp đặt thiết bị sử dụng nhiệt khí thải từ khâu nung luyện để tiết kiệm chi phí đầu vào; tiếp tục hỗ trợ 13 công ty xi măng lò đứng trong việc chuyển đổi sang công nghệ lò quay; xây dựng lộ trình điều chỉnh giá xi măng hợp lý; củng cố tăng cường sức mạnh của hiệp hội, rà soát sửa đổi Điều lệ Hiệp hội; tăng cường hợp tác với các thành viên trong Hiệp hội Xi măng Đông Nam Á...
Đại hội nhiệm kỳ VI đã bầu ra Hội đồng Hiệp hội nhiệm kỳ VI bao gồm 17 thành viên, do TS Nguyễn Quang Cung, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng khóa III, IV, làm Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam khóa VI (2013-2016).
TS Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhiệm kì 2013 - 2016
Thay mặt Hội đồng Hiệp hội mới, ông Nguyễn Quang Cung phát biểu đánh giá vai trò quan trọng của Hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua và nhiệm vụ khó khăn nặng nề của Hội đồng Hiệp hội trong nhiệm kỳ tới. Mặt khác, đứng trước những đòi hỏi từ thực tế hoạt động của ngành, nhiệm vụ đặt ra cho Hiệp hội là làm sao nâng cao vai trò, phát huy sức mạnh của các thành viên, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những thử thách cam go của thời kỳ suy thoái. Ban thường trực Hiệp hội sẽ có những đề xuất, kế hoạch cụ thể về hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới trình Hội đồng Hiệp hội thông qua.
Hội đồng Hiệp hội nhiệm kỳ VI (2013-2016) ra mắt
Theo : Ximang.vn