Ngày 20/4, Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội thảo về Luật Kiến trúc sư nhằm chuẩn bị hành lang pháp lý cho hoạt động kiến trúc sư, đặc biệt, tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước đối với nghề này.
Hiện các quy định liên quan đến quản lý hoạt động kiến trúc được cụ thể hoá trong các Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Tính đến nay, đã có 50 văn bản quy định và định hướng cho công tác hành nghề kiến trúc sư, nhưng lại thiếu cụ thể, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý với nghề mang tính đặc thù. Nhiều quy định còn chung chung, không phù hợp với thông lệ quốc tế và ít có tác dụng đối với việc đào tạo, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư hành nghề chuyên nghiệp.
Vì vậy, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như sự cần thiết, tính thực tiễn của luật, thống nhất tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh và một số nội dung chính…
Theo Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam Lê Trọng Bình, nếu Luật Kiến trúc sư được ban hành sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đưa ra điều kiện, năng lực hành nghề đối với kiến trúc sư, sắp xếp các cơ sở đào tạo kiến trúc sư cũng như việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc và xử lý các vi phạm khi hành nghề kiến trúc sư.
Việc góp ý xây dựng dự thảo Luật Kiến trúc sư là bước cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI.
Trước đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã xây dựng Đề án Xây dựng Luật Kiến trúc sư trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 97/UBTVQH ngày 3/2/2012.
Nếu được chấp thuận ghi vào Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII thì Luật Kiến trúc sư sẽ là một cơ hội lớn, tạo ra bước ngoặt quan trọng đối với hoạt động hành nghề kiến trúc sư ở Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, hiện nay đội ngũ kiến trúc sư của Việt Nam đã lên đến 17.000 người.
Theo : www.chinhphu.vn