Đông đảo các chuyên gia cùng đại diện lãnh đạo các sở chuyên ngành và hơn 80 DN liên quan đến sản xuất vật liệu xây dựng trong và ngoài vùng ĐBSCL đã tham dự.
Tại Hội thảo, các DN đã giới thiệu các sản phẩm và công nghệ sản xuất VLXD bền vững, sử dụng lâu bền, giá cả phù hợp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu như: Gạch nhẹ không nung, thạch cao và tấm sợi cellulose, sàn vinyl nhiều lớp…
Cũng không ít DN còn băn khoan nên chọn loại thiết bị và công nghệ nào đưa vào sản xuất VLXD bền vững thích nghi với thực tiễn Việt Nam và vùng ĐBSCL, không bị lạc hậu để tránh lãng phí vốn đầu tư
Theo báo cáo của Hội VLXD Việt Nam, nhu cầu VLXD vùng ĐBSCL là rất lớn, nhưng năng lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều loại vật liệu phải đưa từ những vùng lân cận đến hoặc phải nhập khẩu.
Gạch xây dựng trong vùng vẫn chủ yếu sử dựng gạch đất sét nung làm lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Vật liệu nhẹ không nung để thay thế, tuy đã có một số đơn vị và DN ở tỉnh Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Hậu Giang đi đầu tạo ra sản phẩm thay thế, nhưng số lượng còn rất thấp lại khó tiêu thụ.
TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết: So với các vùng trong cả nước, ĐBSCL triển khai Quyết định 567 và chỉ thị 10 của Thủ tướng chính phủ về phát triển sản xuất sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung còn rất chậm, sự chậm trễ này dẫn đến sử dụng còn rất hạn chế.
Theo TS Trần Văn Huynh, để có thể phát triển bền vững, ngành VLXD cần quan tâm đến các vấn đề then chốt như: Phải đầu tư phát triển theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời phải triệt để ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, tiết giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả SXKD.
Đặc biệt, cần phát triển sản xuất và sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung. Đây là giải pháp hiệu quả và bền vững đang được các nước trên thế giới áp dụng.
Công tác quản lý, tổ chức khai thác tài nguyên khoáng sản cũng cần phải được chấn chỉnh để tiết kiệm bảo vệ tài nguyên. Thực hiện tái cấu trúc hình thành các tổ hợp sản xuất, kinh doanh VLXD có đủ sức mạnh về tài chính và nhân lực để làm chủ các công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, nhằm từng bước hình thành các trung tâm thương mại VLXD không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn tiến ra thị trường lớn có nhiều tiềm năng của khu vực và thế giới
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu – Bộ Xây dựng cho rằng: Với các tỉnh ĐBSCL, để ngành VLXD phát triển bền vững, cơ chế từ Chính phủ và bộ, ngành đã có, cái cần nhất hiện nay là sự quyết tâm và hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương trong việc ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển.
Mấu chốt là các địa phương trong vùng phải triển khai nhanh và thực hiện một cách có hiệu quả Quyết định 567 và chỉ thị 10 của Thủ tướng chính phủ.
Theo : Báo Xây dựng điện tử