Việc phát triển đô thị về phía Tây của Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều tiềm năng, bởi đây là khu vực giáp ranh tỉnh Long An, tạo sự kết nối và thúc đẩy phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Long An cũng cần xác định rõ mục tiêu quy hoạch phát triển để khai thác thế mạnh “cầu nối” này.
Đây là nội dung được thảo luận tại hội thảo “Thành phố Hồ Chí Minh-Long An: Kết nối phát triển," do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 25/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển chủ yếu ở hai hướng chính là khu Đông và khu Nam.
Thành phố nên mở rộng không gian đô thị về phía Long An, bởi đây là khu vực liền kề thành phố, giao thông thuận tiện vì có đường cao tốc và nhiều tuyến quốc lộ, đường thủy thuận lợi.
Thực tế, khu vực phía Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối thành công với Bình Dương, phía Nam có sự kết nối với Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, còn phía Tây chưa có nghiên cứu. Thị trường bất động sản khu vực này cũng không phát triển mạnh.
Theo ông Nguyễn Thiềm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên của tỉnh Long An có nhiều hạn chế cho phát triển bất động sản như nền đất thấp, nhiều sông rạch phải san lấp nên giá thành cao. Khu vực này địa chất công trình yếu; nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và phèn, khó lấy cho cấp nước. Hiện Long An phải lấy nước từ rất xa (hồ Dầu Tiếng).
Bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều khu dân cư nhỏ lẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch phát triển chung của tỉnh và các dự án khác.
Long An sẽ chú trọng đầu tư các dự án lớn, kiểm soát các dự án nhỏ lẻ với chính sách chặt chẽ.
Tỉnh Long An hiện có quỹ đất tương đối lớn, sẽ phù hợp phát triển những đô thị vệ tinh phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phát triển và kết nối hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh với Long An sẽ giúp cho thị trường bất động sản tại đây có thêm động lực tăng trưởng, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư. Thực tế, một số nhà đầu tư bất động sản đã tìm cơ hội đầu tư ở Long An.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để giữ chân các nhà đầu tư ở lại, việc quan trọng số một là gắn kết Long An với Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, cần bổ sung giao thông kết nối với các đường chính đô thị giữa Long An và các quận huyện giáp ranh với Thành phố, cũng như đẩy mạnh tuyến nội bộ kết nối khu vực.
Ở góc nhìn này, tiến sỹ Sử Ngọc Khương - chuyên gia về tài chính và đầu tư, cho rằng Long An là cầu nối liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nên cần chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Long An phải chọn quy hoạch là thành phố công nghiệp, dịch vụ hay logistics. Đây sẽ là lời giải cho bài toán đối với cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chứ không chỉ đơn thuần là bài toán về bất động sản Long An./.
Theo TTXVN