Hà Nội: Đôn đốc việc chấm dứt các lò gạch thủ công, lò cải tiến

Thứ hai, 22/07/2019 13:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sở Xây dựng Hà Nội đang đôn đốc một số huyện trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng lộ trình để chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo Công văn số 8616/VPCP-CN, ngày 10/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt, vùng nguyên liệu đã được quy hoạch, phù hợp với các chỉ tiêu tại Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tình hình tiêu thụ vật liệu xây trên thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến đối với gạch đất sét nung đảm bảo (lò tuy nen sản xuất theo công nghệ tiên tiến; mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao; tăng năng suất lao động; giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu; đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định); khuyến khích đầu tư xây dựng các loại vật liệu thay thế không dùng nguyên liệu đất sét.

Trước đó, ngày 23/7/2018, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 3328/UBND-ĐT về việc triển khai kế hoạch rà soát, phân loại, đề xuất lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn (theo báo cáo của liên ngành tại Văn bản số 5410/SXD-KTXD ngày 21/6/2018 của Sở Xây dựng).

UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây căn cứ kết quả rà soát, phân loại, danh mục và lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn tại văn bản nêu trên, khẩn trương lập kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể cho địa phương mình và tổ chức thực hiện, báo cáo Sở Xây dựng tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

UBND TP. Hà Nội giao UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây tổ chức thông báo cho các hộ gia đình chủ lò, các đơn vị liên quan kết quả rà soát phân loại, đề xuất danh mục và đề nghị của Sở Xây dựng về lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại trên địa bàn thành phố; tuyên truyền, vận động các chủ lò nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của UBND Thành phố về chủ trương chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã được UBND Thành phố chấp thuận.

Căn cứ kế hoạch, lộ trình chấm dứt hoạt động, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra; đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình duy trì hoạt động thì lập hồ sơ xử lý vi phạm về môi trường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, nghiên cứu, định hướng cho các cơ sở chuyển đổi sang công nghệ mới (gạch không nung).

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, đã đề nghị UBND các huyện Sóc Sơn; Đan Phượng; Quốc Oai; Phúc Thọ; Ứng Hòa; Ba Vì; Chương Mỹ; Phú Xuyên; Mê Linh; Mỹ Đức khẩn trương triển khai các nội dung theo chỉ dạo của UBND Thành phố và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 25 hàng tháng. Tuy nhiên, các huyện chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và nội dung chưa bám sát theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng.

Trước tình hình này, Sở Xây dựng hiện đang phối hợp với UBND các huyện: Sóc Sơn; Quốc Oai; Phúc Thọ; ứng Hòa; Ba Vì; Chương Mỹ; Phú Xuyên; Mê Linh; Mỹ Đức khẩn trương đôn đốc, áp dụng đồng bộ các biện pháp để chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo lộ trình mà Thành phố đặt ra.

Theo kết quả nghiên cứu tính toán của Viện nghiên cứu KHCN Việt Nam, để sản xuất 1 vạn viên gạch kích thước tiêu chuẩn 20x10x5 (cm) cần tiêu thụ khoảng 1,8 tấn than đá, 3 m3 củi; mỗi năm một lò gạch có thể sản xuất khoảng 10 đến 15 vạn viên. Như vậy chỉ ước tính riêng cho một lò gạch trung bình mỗi năm tiêu tốn hết 18 đến 27 tấn than, 30 đến 45 m3 củi.

Hầu hết các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn Hà Nội đều không có hệ thống thu hồi xử lý khí thải, thậm chí không có cả ống khói để tăng cường khả năng pha loãng khí thải. Hậu quả là không khí khu vực xung quanh rất ngột ngạt, ô nhiễm nặng nề. Hoạt động bốc dỡ, chuyên trở đất, gạch thành phẩm diễn ra thường xuyên làm phát sinh bụi, gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó quá trình vận chuyển, phối trộn nhiên liệu cho các lò đốt cũng đòi hỏi tốn nhiều năng lượng và nhân công, dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao nên khó cạnh trạnh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất theo quy mô công nghiệp.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)