Thiết thực tri ân
Theo Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg, hộ gia đình người có công xây dựng nhà ở được hỗ trợ 40 triệu đồng, sửa chữa nhà ở được hỗ trợ 20 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là ngân sách địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, các cấp, ngành và tổ chức, cá nhân đã chung tay huy động được hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 200.000 gia đình người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương có những cách làm hay, sáng tạo, bảo đảm 100% gia đình người có công muốn cải thiện nhà ở đều được hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thành phố đang quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi người có công cho gần 764.000 người, trong đó có hơn 93.000 người hưởng trợ cấp hằng tháng.
Nhằm nâng cao mức sống cho người có công, giai đoạn 2013-2017, thành phố chủ động ứng trước ngân sách, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ toàn bộ gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở, với mức hỗ trợ tối thiểu 70 triệu đồng/hộ xây mới, 30 triệu đồng/ hộ sửa chữa, cao hơn nhiều so với quy định chung. Đến năm 2017, Hà Nội cơ bản không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.
Là một trong những người được thụ hưởng các chế độ, chính sách kể trên, thương binh Nguyễn Văn Tữu, xóm 4, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) chia sẻ niềm vui: “Năm 2017, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để nâng cấp nhà ở. Có nhà mới, cuộc sống của các thành viên trong gia đình ổn định hơn”.
Tại các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…, chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg cũng được triển khai bài bản. Nhờ đó, cuộc sống của đại đa số gia đình người có công ngày càng ổn định, phát triển hơn.
“Kết quả này phần nào thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm, là hành động thiết thực tri ân của thế hệ hôm nay đối với người có công”, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Đồng lòng vì việc nghĩa
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước vẫn còn khoảng 20.000 gia đình có đối tượng là người có công thuộc hộ nghèo (chiếm khoảng 1% tổng số hộ nghèo), trong đó có những hộ gặp khó khăn về nhà ở. Để chăm lo đời sống cho người có công và thân nhân, nhiều địa phương đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg đến hết năm 2019.
Để thực hiện chính sách này, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thời gian qua, các địa phương đã tập trung tiến hành rà soát, hỗ trợ những gia đình người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Điển hình là thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 738 nhà ở cho gia đình chính sách, tổng kinh phí gần 27 tỷ đồng; tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ xây mới 306 căn, sửa chữa 398 căn, tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng…
Tại Hà Nội, dù không còn gia đình người có công nào ở nhà xuống cấp từ năm 2017, song chính sách này vẫn được duy trì. Theo Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 7-3-2019 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã sử dụng nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa hỗ trợ 262 gia đình người có công có nhu cầu sửa chữa, xây dựng mới nhà ở. Đến đầu tháng 7-2019, các địa phương cơ bản hoàn thành kế hoạch, thậm chí nhiều nơi thực hiện vượt kế hoạch.
Nổi bật như tại quận Hà Đông, theo ông Bùi Văn Chanh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông, dịp này, trên địa bàn quận có 20 gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng nhà, mỗi gia đình 70 triệu đồng, đạt 200% kế hoạch...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà 3 tầng đang hoàn thiện tại số 8, ngõ Chùa 2, tổ dân phố 7, phường Đồng Mai (quận Hà Đông), ông Nguyễn Đình Thinh, là con liệt sĩ tâm sự: “Ngôi nhà mới này sẽ là nơi mẹ tôi sinh sống những năm tháng tuổi già. Chúng tôi biết ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền đến mọi mặt đời sống của người có công”.
Chia sẻ kinh nghiệm đưa chính sách hỗ trợ nhà ở đi vào đời sống, bà Lê Thị Minh Hương, Trưởng phòng Chính sách người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho hay: Công tác rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ gia đình chính sách có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở được thành phố Hà Nội duy trì hằng năm. Thấy rõ tính hiệu quả, nhiều tổ chức, cá nhân đã đồng lòng cùng thành phố làm việc nghĩa.
Đơn cử, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Tình người đã hỗ trợ hàng chục gia đình người có công ở các huyện Ứng Hòa, Đông Anh… xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Có thể thấy rằng, việc tiếp tục hỗ trợ người có công về nhà ở là hành động thiết thực để tri ân, góp phần động viên các gia đình vượt lên khó khăn, từng bước nâng cao mức sống.
Theo Hà Nội mới