Năm 2019, xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Trị đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện, nhất là công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn đến quản lí nguồn lực đầu tư để thực hiện. Tuy vậy, nhiệm vụ quan trọng này trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc...
Đến thời điểm này, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2019 do tỉnh quản lí là trên 2.414,6 tỉ đồng, tăng 22% so với kế hoạch giao đầu năm. Mặc dù lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc thực hiện nhưng tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2019 mới thực hiện được 984,7 tỉ đồng, đạt 41% so với kế hoạch đề ra. Thông tin từ Kho bạc nhà nước tỉnh cho biết, đến ngày 20/6/2019, có đến 31 dự án thuộc thẩm quyền vốn cân đối ngân sách địa phương và trung ương hỗ trợ có mục tiêu, kế hoạch năm 2019 của 19 chủ đầu tư chưa giải ngân đã làm ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ giải ngân chung của toàn tỉnh. Một số dự án có kế hoạch vốn được giao khá cao nhưng giá trị giải ngân lại đạt rất thấp như: Xây dựng Khu tái định cư xã Hải Khê do UBND huyện Hải Lăng làm chủ đầu tư tỉ lệ giải ngân mới đạt 3%; cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia do Sở Công thương làm chủ đầu tư giải ngân 5%; hệ thống xử lí nước thải Khu công nghiệp Quán Ngang do Ban Quản lí Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư giải ngân 18%; xây dựng khu tái định cư phục vụ di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông do UBND huyện Đakrông làm chủ đầu tư giải ngân 13%; đường đấu nối đầu cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư tỉ lệ giải ngân mới đạt 10%... Tình hình giải ngân các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng rất chậm, 21 dự án được bố trí vốn thực hiện trên 527 tỉ đồng, trong đó vốn nước ngoài 388,3 tỉ đồng, vốn đối ứng 139,2 tỉ đồng nhưng đến cuối tháng 6/2019 mới chỉ giải ngân cả vốn nước ngoài và vốn đối ứng mới được 106,7 tỉ đồng, đạt 22,22%. Các dự án thuộc các chương trình, mục tiêu quốc gia, nhất là xây dựng nông nông mới ở nhiều địa phương triển khai chậm...
Nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB chậm là do việc chỉ đạo thực hiện ở một số ngành, địa phương còn thiếu sâu sát, quyết liệt; nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến việc nắm bắt tiến độ thi công, đốc thúc nhà thầu triển khai thực hiện. Công tác chuẩn bị đầu tư đối với một số dự án khởi công mới còn chậm; giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư ở không ít dự án lớn gặp nhiều khó khăn. Khá nhiều dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa được nghiệm thu khối lượng hoàn thành nên không thể giải ngân. Các dự án ODA không chỉ vướng mắc về giải phóng mặt bằng mà còn gặp nhiều rào cản khác như chồng chéo về hệ thống chính sách, pháp luật hướng dẫn thực hiện và quản lí sử dụng vốn; quy trình, thủ tục giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ trong quá trình thực hiện dự án, nhất là trong công tác đấu thầu, thẩm định, tuyển chọn tư vấn.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, các ngành và các địa phương, các chủ đầu tư cần gấp rút thực hiện các giải pháp. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm quy định tại Điều 1, Nghị quyết số 24/2018/NQ - HĐND ngày 8/12/2018 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư XDCB sử dụng nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lí năm 2019. Trong đó, các ngành chức năng cần tham mưu UBND tỉnh cắt giảm kế hoạch vốn thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với các dự án đến hết ngày 30/6/2019 chủ đầu tư chưa làm thủ tục giải ngân tại Kho bạc nhà nước; các dự án đến hết ngày 30/9/2019 giải ngân dưới 60%, các dự án đến hết ngày 30/11/2019 giải ngân dưới 85% vốn kế hoạch. Để tránh “rơi” vào trường hợp này, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán đối với các dự án phải thu vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng XDCB và hoàn thành các hồ sơ tạm ứng tại Kho bạc nhà nước; đốc thúc hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân; chủ động đề xuất phương án điều chỉnh đối với công trình, hạng mục nếu thấy không có khả năng thực hiện báo cáo cơ quan chức năng trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn. Các ngành, địa phương và chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát chặt chẽ hoạt động đấu thầu, thi công các dự án để nắm bắt và giải quyết, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; quy định báo cáo hoạt động đấu thầu, giám sát đầu tư, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân trên hệ thống thông tin trực tuyến về đầu tư công. Để không xảy ra tình trạng phát sinh nợ đọng XDCB, chỉ thực hiện khối lượng công việc trong phạm vi kế hoạch vốn đã phân bổ; không yêu cầu chủ đầu tư tự bỏ vốn thực hiện khi chưa được bố trí vốn; tiến hành công tác đấu thầu sau khi đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và có nguồn vốn đầu tư; không phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án khi chưa xác định được nguồn vốn cũng như khả năng cân đối vốn; tập trung thi công các gói thầu của các công trình chuyển tiếp phù hợp với mức vốn kế hoạch được giao. Đối với các dự án ODA cần tiến hành rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để giải ngân kịp thời các nguồn vốn đã được bố trí trong kế hoạch năm 2019 cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền xử lí những khó khăn, vướng mắc phát sinh...
Để hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2019, ngoài những giải pháp trên, cần kiên quyết xử lí theo quy định đối với cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư tắc trách, không đảm bảo tiến độ thực hiện dẫn đến chậm giải ngân, mất vốn. Xử lí nghiêm các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, thiếu năng lực, sai sót trong quá trình thiết kế và thi công công trình, làm ảnh hưởng đến việc xác định chính xác nguồn vốn, chất lượng và tiến độ thực hiện thi công.
Theo báo Quảng Trị