Giải pháp cho vấn đề xử lý các nguồn nước thải

Thứ ba, 09/07/2019 15:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vấn đề xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, kinh doanh sản xuất... trước khi xả ra ao hồ, sông suối cần phải bảo đảm các chỉ số theo quy định. Thời gan qua, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra các vi phạm về quản lý tài nguyên nước, Hà Nội cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình xử lý nước thải và bảo vệ môi trường sông, hồ.

Các chuyên gia Nhật Bản lắp đặt hệ thống làm sạch lòng sông Tô Lịch - Ảnh: Phương Duy

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra tại 2.991 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 1.817 cơ sở với tổng số tiền phạt 15,8 tỷ đồng.

Trước thực trạng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Thành phố cũng kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước; yêu cầu các cơ sở phải thực hiện các biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra sông, kênh, mương, ao hồ; áp dụng các biện pháp để ngăn chặn các hành vi xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm vào kênh, mương, ao hồ.

Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Đối với các hồ, Hà Nội tiếp tục áp dụng các công nghệ hiện đại tiên tiến, thân thiện môi trường để cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm, duy trì hệ sinh thái cảnh quan các hồ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, bảo đảm nước thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Về lâu dài, Hà Nội sẽ tiến hành cải tạo hệ thống thoát nước, thu gom, tách nước thải vào các hồ; thu gom toàn bộ nước thải để bảo đảm không xả thải vào các hồ, kết hợp với kè xung quanh hồ nhằm duy trì cảnh quan sinh thái, chống lấn chiếm.

Việc hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch thoát nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần bảo đảm thu gom triệt để, tách nước thải để xử lý tập trung nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước các con sông. Chủ động phối hợp với các tỉnh để giải quyết ô nhiễm tại các lưu vực sông liên tỉnh (Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải..)

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biêt, đối với sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, trên cơ sở kết quả triển khai dự án thoát nước Thành phố giai đoạn I và II, trước mắt tập trung đẩy nhanh ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu bảo đảm các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào nguồn nước các sông nội thành như: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Cầu Bây.

Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành. Hiện nay dự án Trạm xử lý nước thải Hồ Tây (công suất 86.000 m3/ngày đêm) đã hoàn thành và hiện đang được Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền và Công ty cổ phần Phát triển môi trường SFC Việt Nam quản lý, vận hành; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm (thiết kế hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc 2 bên bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và 1 phần sông Nhuệ) sắp hoạt động nhằm khắc phục ô nhiễm nước sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và 1 phần sông Nhuệ.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô hiện điều chỉnh công suất từ 84.000 m3/ngày đêm lên 98.000 m3/ngày đêm. Dự án đã được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền lập đề xuất dự án theo hình thức hợp đồng BT và BOT giai đoạn 2014 - 2020;  Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (gồm một phần quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm; công suất 58.000 m3/ngày đêm) do Công ty TNHH phát triển THT đang lập dự án; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực Hà Đông và Sơn Tây đã hoàn thành công tác nghiên cứu lập dự án đầu tư.

Đối với sông Nhuệ - sông Đáy, hiện đang triển khai từng bước chương trình thu gom và xử lý nước thải của thành phố Hà Nội trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn từ 2016 - 2020.

Hiện nay, Thành phố cũng chủ động đẩy nhanh việc triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy; tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước sông này; đồng thời tiếp tục đẩy nhanh triển khai Dự án Đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động (nước thải) tại các khu vực trọng yếu như các sông, hồ chính, vùng giáp ranh, các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tiếp tục đẩy nhanh triển khai xây dựng các dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải trên lưu vực.

Đối với sông Cầu Bây, hiện thành phố đang vận hành ổn định trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động trên sông Cầu Bây tại Trạm bơm Am thuộc thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, nhằm theo dõi liên tục chất lượng nước sông Cầu Bây. Thành phố đã đề xuất dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng công suất là 31.500m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải An Lạc công suất 29.600m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải Ngọc Thụy công suất 22.000 m3/ngày đêm nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây.

Đại diện lãnh đạo Thành phố cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan, UBND Thành phố, UBND các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh xây dựng quy chế bảo vệ môi trường sông Bắc Hưng Hải (trong đó có sông Cầu Bây) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời tiếp tục khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn nước mặt; hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường nước trên địa bàn thành phố, kết hợp giữa quan trắc tự động cố định, tự động di động (các xe quan trắc) với quan trắc định kỳ chủ động.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)