Vĩnh Phúc: Tạo điều kiện tối đa để người dân được sử dụng nước sạch

Thứ tư, 12/02/2020 15:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vĩnh Phúc là 1 trong 8 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng được hưởng lợi từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB). Triển khai chương trình, trong giai đoạn 2013-2018, với tổng nguồn hơn 400 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành 5 công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung tại 21 xã, thị trấn của 3 huyện Lập Thạch, Yên Lạc và Vĩnh Tường.

Nhân viên Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra vận hành công trình cấp nước sạch liên 12 xã huyện Vĩnh Tường

Tổng công suất cung cấp nước sạch theo thiết kế đạt hơn 17 nghìn m3/ngày, đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 30 nghìn hộ dân, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và đảm bảo tiêu chí môi trường trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo cơ chế sử dụng vốn vay của WB: 60% vốn vay được ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách tỉnh, 30% vốn vay do UBND tỉnh vay lại từ Chính phủ theo các điều kiện quy định, 10% tổng mức đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng do người sử dụng nước phải đóng góp nhằm thu hút, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, sử dụng nước sạch từ công trình, bảo vệ công trình sử dụng lâu dài hiệu quả, bền vững.

Mặc dù trong quá trình triển khai, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu đầu tư, quy trình xây dựng, lợi ích của người dân được hưởng lợi, trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước và bảo vệ công trình.

Giám sát chặt chẽ về tiến độ thi công xây dựng công trình, kiểm tra đánh giá chất lượng các hạng mục công trình đảm bảo đúng thiết kế được phê duyệt… Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước mới đạt hơn 50% theo kế hoạch; đặc biệt, số lượng người dân tham gia đóng góp theo quy định của chương trình đạt thấp, chưa đầy 3% tổng mức phải thu theo quy định.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, nhất là các xã miền núi, các hộ nghèo nên việc đóng góp còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số công trình nước sạch, dịch vụ điện, viễn thông người dân được đầu tư hạ tầng miễn phí, không phải đóng góp nên có sự so sánh. Mặt khác, do nhận thức của nhiều người về mục tiêu, lợi ích, ý nghĩa của công trình chưa cao, nên khi phải đóng góp, người dân đã không sử dụng nước mặc dù đã được đấu nối lắp đặt đồng hồ theo thiết kế và cam kết sử dụng nước trước khi xây dựng công trình.

Chia sẻ khó khăn với người dân, mới đây, tỉnh đã quyết định hộ trợ 10% vốn đối ứng của chương trình cho người dân với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang phối hợp với chính quyền các địa phương đã có người dân nộp tiền đối ứng và kho bạc 3 huyện Lập Thạch, Yên Lạc, Vĩnh Tường để hoàn trả lại người dân theo quy định.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả vận hành các công trình cấp nước. Đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo người dân về chính sách hỗ trợ của tỉnh; tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng nước sạch đối với đời sống hàng ngày; cải cách, đơn giản các thủ tục lắp đặt, đấu nối nước sạch, phấn đấu hết năm 2020, nâng tổng số hộ sử dụng nước sạch từ chương trình lên hơn 70% mục tiêu đề ra.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)