Huyện Thanh Trì (Hà Nội) đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa

Thứ sáu, 08/03/2019 14:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong những năm gần đây, huyện Thanh Trì có tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhiều tiêu chí về kinh tế, xã hội và phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn cấp quận. Huyện đang tập trung hoàn thành các tiêu chí để bảo đảm đủ điều kiện được công nhận là quận vào năm 2020.

Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Thanh Trì được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nằm ở phía đông nam huyện Thanh Trì, giáp ranh với huyện Thường Tín, trên địa bàn xã Ðông Mỹ có nhiều tuyến giao thông quan trọng, rất thuận lợi để phát triển cả giao thông đường thủy, đường bộ. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011, Ðông Mỹ đã tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, đường trục thôn, xóm, ngõ và đường trục chính nội đồng. Ðến nay, tuyến đường trục liên xã dài gần 2,4 km, các đường trục thôn, xóm, ngõ, tổng cộng dài hơn 16 km đều được trải nhựa áp-phan hoặc đổ bê-tông, lắp đặt đèn chiếu sáng. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng như trường học, trạm y tế, điện, nước sạch,... được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, tạo diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp; tình hình kinh tế, xã hội phát triển và ổn định; đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2014, xã Ðông Mỹ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Căn cứ các tiêu chí được công nhận cấp phường, xã Ðông Mỹ có 16 tiêu chí đạt, chỉ còn tiêu chí diện tích đất giao thông tính trên số dân là chưa đạt. Ðể sớm hoàn thành tiêu chí này, xã đã lập kế hoạch mở rộng tuyến đường từ Ðông Mỹ đi các xã Ngũ Hiệp, Vạn Phúc, Liên Ninh và đường liên thôn Trường Thọ. Chủ tịch UBND xã Ðông Mỹ Nguyễn Thị Kim Thư cho biết, để phát triển thành phường vào năm 2020, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã vận động người dân tiếp tục chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau có giá trị kinh tế cao. Hệ thống hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân mở rộng hoạt động kinh doanh, thương mại dịch vụ và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân.

Theo tổng hợp của UBND huyện Thanh Trì, trong ba nhóm nội dung cần phải đánh giá hiện trạng, so sánh với tiêu chí về quận theo quy định, Thanh Trì đạt phần lớn các tiêu chí. Cụ thể, trong nhóm các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội, có sáu tiêu chí thì huyện đã đạt năm, còn tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách chưa đạt. Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng phát triển đô thị có 21 chỉ tiêu, huyện đã đạt 19 chỉ tiêu, còn lại hai tiêu chí là mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng trên địa bàn. Nhóm tiêu chí kinh tế - xã hội các xã, thị trấn gồm sáu tiêu chí trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và 12 tiêu chí về trình độ phát triển hạ tầng đô thị có năm xã đạt cả 18 tiêu chí, bốn xã đạt 13 tiêu chí, hai xã đạt 12 tiêu chí và hai xã đạt 11 tiêu chí. Tiêu chí các xã, thị trấn chưa đạt chủ yếu là tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách, diện tích đất giao thông tính trên dân số, sân luyện tập thể dục, thể thao, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế và đất cây xanh công cộng.

Để đạt mục tiêu phát triển thành quận vào năm 2020, huyện Thanh Trì phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10 - 11%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại; mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức kinh doanh hiện đại như chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, bán hàng tự động. Xây dựng các tuyến phố chuyên doanh các sản phẩm đặc trưng của làng nghề như mây tre đan Vạn Phúc, bánh chưng, bánh dày Duyên Hà, miến dong, bánh đa Hữu Hòa… nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ phát triển, thu hút đầu tư cụm công nghiệp Ngọc Hồi; phát triển mở rộng sản xuất các làng nghề truyền thống. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; duy trì và phát triển các vùng sản xuất tập trung, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, du lịch sinh thái. Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, huyện Thanh Trì triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 3,5, đường liên xã Liên Ninh - Ðại Áng - Tả Thanh Oai; tuyến nối đường Phan Trọng Tuệ với đường liên xã Vĩnh Quỳnh - Ngọc Hồi - Ðại Áng, kết hợp đôn đốc chủ đầu tư các khu đô thị đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường trong khu đô thị, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, nguồn vốn để hoàn thành các tiêu chí gần 16 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách của huyện còn thiếu gần 1.950 tỷ đồng. Ðể huy động nguồn vốn này, huyện sẽ rà soát các dự án trong kế hoạch đầu tư, kiên quyết giãn hoàn tiến độ các dự án chưa thật sự cần thiết, còn vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư để tập trung nguồn vốn. Ðẩy nhanh tiến độ công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu đấu giá tập trung và các diện tích đất xen kẹt để sớm tổ chức đấu giá. Bên cạnh sự nỗ lực của huyện, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế đặc thù như ủy quyền cho huyện thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông các tuyến đường. Giao các sở, ngành lập chỉ giới đường đỏ, tổ chức cắm mốc giới để tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng; triển khai linh hoạt các giải pháp thu hút đầu tư, nỗ lực phủ xanh các con đường, ngõ xóm… Ðây là điều kiện thuận lợi để Thanh Trì phát triển thành quận vào năm 2020.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)