Theo quy hoạch, Khu DLQG Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hành chính các xã: Ngọc Chấn, Phúc Ninh, Cẩm Nhân, Mỹ Gia, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Tân Hương, Thịnh Hưng, Hán Đà, Mông Sơn, thị trấn Yên Bình và thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; có diện tích khoảng 28.800 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển của Khu du lịch Hồ Thác Bà (không tính phần mặt nước) khoảng 1.200 ha.
Quan điểm phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà dựa trên lợi thế cảnh quan mặt nước và vùng ven hồ, giá trị của danh thắng Hồ Thác Bà và bản sắc văn hóa vùng sông Chảy để hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Hồ Thác Bà; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Chiến lược, Quy hoạch liên quan đã được các cấp phê duyệt.
Đồng thời phát triển du lịch hài hòa với lợi ích các ngành kinh tế khác và các chức năng khác của Hồ Thác Bà, bảo đảm an toàn tuyện đối quá trình vận hành, bảo vệ chất lượng môi trường nước hồ, phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái, lợi ích của các bên liên quan, an ninh quốc phòng, thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; phù hợp, thống nhất với các chiến lược, quy hoạch liên quan đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong khu vực.
Phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà trong không gian kết nối với các khu du lịch, điểm du lịch quan trọng của tỉnh Yên Bái, thủ đô Hà Nội; hình thành mối liên kết chặt chẽ với các khu du lịch quốc gia, trọng điểm phát triển du lịch khác trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phát triển, gắn với chuyển đổi và sử dụng hiệu quả lao động nông thôn để phát triển bền vững Khu DLQG Hồ Thác Bà, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Mục tiêu đến trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng và hình thành thương hiệu cho Khu DLQG Hồ Thác Bà.
Đến năm 2025 đón khoảng 380 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 140 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch: Đến năm 2025 đạt 300 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Về việc làm, năm 2025 tạo việc làm cho trên 1.000 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động trực tiếp.
Phát triển cơ sở lưu trú du lịch, năm 2025 có khoảng 600 buồng lưu trú. Đến năm 2030 có khoảng 1.300 buồng lưu trú.
Định hướng phát triển
Về phát triển thị trường khách du lịch, thị trường khách nội địa: Đẩy mạnh khai thác thị trường khách từ thủ đô Hà Nội, các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Mở rộng khai thác thị trường khách cao cấp từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Chú trọng khách du lịch sinh thái hồ, nghỉ cuối tuần cho các gia đình và giới trẻ.
Thị trường khách quốc tế, ưu tiên khai thác thị trường khách truyền thống Pháp, Mỹ và Canada. Đồng thời mở rộng thị trường các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á (Thái Lan, Lào). Chú trọng phân khúc thị trường khách nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bản địa.
Phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng như du lịch sinh thái Hồ Thác Bà, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, khám phá văn hóa sông Chảy, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời.
Về tổ chức không gian phát triển du lịch, các khu trung tâm động lực phát triển Khu DLQG Hồ Thác Bà là khu vực tập trung đầu tư chuyên môn hóa cao về du lịch với tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm: Trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng, Trung tâm du lịch Linh Sơn - Cao Biền, Trung tâm du lịch Phúc Ninh - Cẩm Nhân.
Về giải pháp hợp tác, liên kết phát triển du lịch, duy trì có hiệu quả “Chương trình liên kết, hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng”, hợp tác song phương về phát triển thị trường du lịch với các địa phương Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và các trung tâm du lịch lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ để kết nối thị trường khách du lịch đến và kết hợp quảng bá Khu DLQG Hồ Thác Bà.
Đẩy mạnh liên kết giữa Khu DLQG Hồ Thác Bà với các khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các khu, điểm du lịch trên các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch khác trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai...) để hình thành chuỗi liên kết chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn.
Theo chinhphu.vn