Theo Ban điều hành Chương trình hành động chỉnh trang và phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất công tác giải tỏa, di dời toàn bộ 20 nghìn căn nhà trên và ven kênh rạch; tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn; thực hiện chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hai dự án đã hoàn thành di dời, bốn dự án đang thực hiện bồi thường dở dang; ba dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; bốn dự án đã được phê duyệt dự án bồi thường; 16 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư công… Tổng số đã bồi thường và di dời khoảng 1.860 căn nhà, đạt tỷ lệ 9,3%. Ðối với chương trình cải tạo chung cư cũ, thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 50% việc sửa chữa chung cư cũ từ trước năm 1975 (khoảng 237 chung cư trong tổng số 474 chung cư cũ). Tuy nhiên, hiện nay thành phố mới chỉ sửa chữa, cải tạo được 132 chung cư cũ; công nhận chủ đầu tư để xây dựng bảy chung cư mới thay thế chung cư cũ; thỏa thuận, di dời được 527 hộ dân tại 11 chung cư; tháo dỡ sáu chung cư; hoàn thành xây dựng mới hai chung cư với 876 căn hộ; đang thi công xây dựng hai chung cư quy mô 878 căn hộ…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trần Trọng Tuấn, các vướng mắc của chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách. Cụ thể, trong tổng 53 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch thực hiện bằng vốn ngân sách thì có đến 20 dự án trên địa bàn các quận 7, 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp chưa cắm mốc, chưa xác định được ranh mép bờ cao và hành lang bảo vệ kênh rạch. Về chương trình cải tạo chung cư cũ, vấn đề lớn nhất là khó kêu gọi được nhà đầu tư tham gia vì hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng. Luật Nhà ở quy định, phải lấy ý kiến và 100% người dân đồng thuận mới tiến hành phá dỡ và cải tạo. Ðiều này là không thực tế. Ðiển hình như tại dự án di dời người dân tại cư xá Thanh Ða (quận Bình Thạnh). Khu cư xá này có 22 lô chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975, nhưng tới nay mới đền bù giải tỏa được hai chung cư. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, mới đây, lãnh đạo quận Bình Thạnh đưa ra hai giải pháp đền bù: Một là đền bù bằng tiền để cư dân đi mua nhà nơi khác sinh sống; hai là tái định cư tại chỗ, hỗ trợ người dân tiền thuê nhà ở tại nơi khác trong quá trình xây dựng dự án, khi dự án xây dựng xong, người dân đóng thêm tiền để có nhà mới. Tuy nhiên, khi người dân hỏi về giá đền bù, số tiền cư dân phải đóng thêm khi tái định cư tại chỗ, có ngân hàng hỗ trợ khoản vay để đóng thêm không, thì lãnh đạo quận không trả lời được. Vậy nên, tất cả lại rơi vào bế tắc như nhiều năm trước.
Theo ông Vũ Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng), mặc dù thành phố và Sở Xây dựng đã ủy quyền cho các quận, huyện chủ động thực hiện các nhiệm vụ liên quan thủ tục cải tạo, sửa chữa và xây dựng chung cư cũ, nhưng nhiều quận, huyện vẫn than khó hoặc ì ạch chậm triển khai.
Ðể tháo gỡ các khó khăn cho chương trình chỉnh trang đô thị, trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Các sở, ngành phải phân loại và nhận diện phương thức thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị dọc kênh, rạch theo ba nhóm. Từng quận, huyện chủ động rà soát, phân nhóm, xác định phương thức thực hiện của từng tuyến kênh, rạch để có cơ sở định hướng, vừa cân đối ngân sách vừa huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư; tiến hành tổ chức thực hiện, triển khai công việc phù hợp từng nhóm, bảo đảm đồng bộ và hoàn thành chỉ tiêu của chương trình. Nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố bảo đảm cân đối, từ nay đến hết năm 2020 có thể hoàn thành di dời 8.436 căn, ước tính lũy kế giai đoạn 2016-2020 di dời khoảng 10.114 trong tổng số 13.827 căn (tính riêng dự án thực hiện bằng vốn ngân sách đạt tỷ lệ 73,2%). Ðối với các dự án thực hiện bằng phương thức đối tác công tư PPP, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28-12-2018 về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Thành phố sẽ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết nêu trên của Chính phủ phù hợp điều kiện và tình hình thực tế của thành phố, trong đó, tập trung hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư như phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt thiết kế và dự toán để tiến hành tổ chức đấu thầu vào năm 2019; trọng tâm là dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, phấn đấu đến năm 2020, nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án tiến hành nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khai thác quỹ đất ven rạch này.
Về chương trình cải tạo chung cư cũ, nhằm tháo gỡ các khó khăn tồn tại lâu năm, mới đây Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố phương án giải quyết. Theo đó, đối với các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm sẽ lựa chọn phương thức tái định cư tại chỗ cho dân. Nếu người dân muốn nhận tiền thì quy đổi giá trị căn hộ nhận tiền hoặc người dân tự chuyển nhượng theo quy định. Ðối với các chung cư cũ có diện tích nhỏ, không thể bố trí tái định cư tại chỗ có thể tính toán tới phương án mở rộng dự án, nhằm kêu gọi thêm các nhà đầu tư tham gia.
Theo Nhân dân điện tử