Theo đó, các hoạt động kinh tế tại đô thị này tập trung vào lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính - dịch vụ - thương mại, cung ứng các hoạt động kinh tế liên kết vùng TPHCM.
Nhằm giải quyết các thách thức hiện hữu và dự trù phát triển trong tương lai, TPHCM đã quy hoạch đô thị này 4 nhóm mục tiêu.
Thứ nhất là TP sáng tạo: Ý tưởng quy hoạch cần tạo ra các trung tâm kinh tế sáng tạo, khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hình thành một hệ sinh thái sáng tạo. Các ngành kinh tế và hoạt động đô thị ở tầm mức trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ hai, đô thị vì con người: Các chủ thể tham gia nghiên cứu, sản xuất chất lượng cao tại khu đô thị sáng tạo này được tạo điều kiện sống rất tốt (về nhà ở tại chỗ, dịch vụ chăm sóc y tế, cơ sở giáo dục tốt cho trẻ em…).
Giáo dục được chú trọng và đầu tư chất lượng cao, giáo dục tích hợp trong nhiều bối cảnh khác nhau, dịch vụ y tế chất lượng cao, không gian chung của cộng đồng được tạo ra để khuyến khích sự sáng tạo trong đời sống, chăm sóc những nhóm yếu thế trong xã hội, chiến lược nhà ở phù hợp với thu nhập của đại đa số cư dân.
Thứ ba, cân bằng giữa phát triển và môi trường: Duy trì những đặc tính vốn có của môi trường thiên nhiên và phát huy tài nguyên văn hóa và thiên nhiên của vùng đất này.
Thứ tư, di chuyển nhanh và dễ dàng: Văn hóa đi lại được chuyển đổi từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng. Người dân có thể đi bộ một cách thuận tiện và an toàn.
Theo đề bài được duyệt, quy mô dân số khu đô thị không giới hạn và các đơn vị dự thi được dự báo theo từng cấp độ phát triển gắn với các mốc thời gian. Mật độ dân số sau 30 năm tiếp theo được xem xét tương đương với các quận trung tâm TPHCM hiện nay.
Chú trọng thu hút và phát triển dân số trẻ, tri thức, cùng nhóm dân cư hiện hữu đang cư trú. Kết nối nội bộ giữa các khu vực trụ cột của khu đô thị sáng tạo để tạo ra những mối liên hệ, đi lại nhanh nhất và tương tác tốt nhất.
TPHCM cũng lưu ý, quy hoạch cần đặt ra các phân vùng gồm: vùng động lực và ưu tiên phát triển các trung tâm sáng tạo, vùng giao thoa giữa đô thị sáng tạo và các khu vực hiện hữu, vùng dự trữ và cân bằng điều kiện tự nhiên, vùng phát triển theo hướng bảo tồn văn hóa và vùng cấm hoặc hạn chế phát triển để thực hiện các chính sách bền vững.
Các khu chức năng chính của đô thị có vai trò liên kết tác động đến cả vùng, là trung tâm điều phối phát triển của cả vùng, gồm: Khu đại học quốc gia, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, các khu vực đô thị ổn định hiện hữu, các trung tâm sáng tạo thành lập mới.
Về chức năng tại các trung tâm sáng tạo được gợi ý như sau: khu vườn ươm tài năng, vườn khởi nghiệp; khu thử nghiệm ứng dụng mới mang tư duy đổi mới sáng tạo; khu học thuật nghiên cứu, trung tâm dữ liệu, thư viện quốc tế; khu giao lưu quốc tế, triển lãm, sự kiện văn hóa, giáo dục, xúc tiến đầu tư - thương mại quốc tế; khu vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, khu thương mại, giám định về công nghệ, khoa học; khu vực dân cư cao cấp, trung bình và khu vực nghỉ dưỡng; hệ thống không gian mở bố trí các tiện ích đô thị, khu vui chơi giải trí nhằm kích thích khả năng sáng tạo của cộng đồng dân cư sáng tạo; khu vực dự trữ cho tương lai; cân bằng môi trường tự nhiên và phát triển.
Về quy hoạch không gian đô thị, TP yêu cầu cần đề xuất cấu trúc đô thị, các hành lang phát triển có khu vực cần quy hoạch mới, khu cần điều chỉnh, khu dự trữ phát triển và khu tôn trọng hiện hữu nhằm tạo tính tổng thể, ưu tiên phân kỳ đầu tư và các khu chức năng đó có kết nối tạo được tính liên hoàn, bổ trợ cho nhau theo mô hình khép kín, tuần hoàn; đề xuất chiến lược, giải pháp kiểm soát định hướng phát triển, khai thác tối đa giá trị của môi trường, cảnh quan tự nhiên; khuyến khích tồ chức không gian tương tác, đi bộ trong không gian công cộng; xác định các điểm nhấn không gian, cảnh quan, trục - tuyến động lực cho khu đô thị.
Về hạ tầng kỹ thuật và giao thông, cần đề xuất giải pháp sử dụng mạng lưới sông rạch hiện hữu để giải quyết các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật như thoát nước, giao thông và hạ tầng xã hội như tạo các không gian công cộng của cộng đồng; đề xuất giải pháp sử dụng mạng lưới sông rạch hiện hữu để giải quyết các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật.
Theo Sài Gòn giải phóng