Tạo thuận lợi cho người dân
Tiện đường trả khách, ông Ðỗ Cao Minh, một lái xe ôm công nghệ tranh thủ tạt qua Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, hoàn thiện hồ sơ gửi công ty theo quy định. Chỉ mất năm phút để khai thông tin và hoàn tất mọi thủ tục tại quầy, ông Minh đã có thể tiếp tục công việc ngay sau đó. "Lâu nay tôi cứ nghĩ khi đi làm giấy tờ hành chính sẽ mất thời gian nên rất ngại. May quá có anh bạn vừa nộp phí phạt vi phạm giao thông qua bưu điện nên khuyên vào đây làm. Chỉ mất khoảng vài phút và 30 nghìn đồng tiền phí là tôi chẳng phải lo nghĩ gì nữa vì nay mai sẽ có bưu tá gọi điện và chuyển phát kết quả đến tận nhà", ông Minh hồ hởi chia sẻ. Chị Nguyễn Thùy Linh (trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng khá bất ngờ khi đến một bưu cục gần nhà để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Chị trao đổi: "Nhân viên bưu điện nhiệt tình và phục vụ rất chu đáo. Mình chưa rõ chỗ nào họ hướng dẫn đầy đủ. Ðiểm phục vụ ở đây cũng rất tiện lợi về đường giao thông, tiện cho người dân và doanh nghiệp tới làm các thủ tục giấy tờ. Mọi việc đều công khai, minh bạch nên tôi rất hài lòng".
Mục tiêu quan trọng nhất của cải cách hành chính là tạo thuận lợi cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp khi muốn giải quyết TTHC, đồng thời giảm áp lực cho cơ quan công vụ. Chính vì vậy, Quyết định 45/2016/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã ra đời, góp phần thực hiện tốt mục tiêu này. Nếu như trước đây, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục giấy tờ phải đến trực tiếp các cơ quan hành chính nhà nước thì nay chỉ cần tới bưu điện là có thể giải quyết được rất nhiều thủ tục thiết yếu như: cấp đổi giấy phép lái xe, cấp lý lịch tư pháp, trích lục bản sao giấy tờ hộ tịch, cấp phép bán lẻ sản phẩm rượu, thuốc lá, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,… Sau hai năm triển khai thí điểm việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, hiện tất cả 63 bưu điện tỉnh, thành phố trên cả nước đã chính thức thực hiện dịch vụ này. Năm 2018, có hơn 12 triệu lượt hồ sơ đã được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, tăng 33% so với cùng kỳ. Nhiều thủ tục trước đây người dân phải đi lại, chờ đợi thì nay đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều, bởi việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC đã được triển khai tại gần 1.600 bưu điện văn hóa xã. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: Mỗi ngày, Sở Tư pháp phải giải quyết từ 600 đến 1.200 hồ sơ hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 50% lượng hồ sơ là cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trước đây, do lượng hồ sơ quá nhiều cho nên khi người dân đến Sở để làm thủ tục trực tiếp thường phải chờ đợi cả khi nộp hồ sơ lẫn khi đến nhận kết quả. Nhưng hiện nay, người dân không cần trực tiếp đến Sở vẫn có thể nộp và nhận phiếu lý lịch tư pháp. Rõ ràng với việc nhận hồ sơ và trả kết quả qua bưu điện, người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại, chờ đợi.
Ðặt "một cửa" tại trụ sở bưu điện
Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà, một điểm nổi bật khác trong lĩnh vực cải cách TTHC thời gian qua là việc triển khai thí điểm đưa bộ phận một cửa các cấp về đặt tại trụ sở của bưu điện ở một số địa phương theo Nghị định 61/2018/NÐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Lợi ích mang lại trước hết là UBND các cấp sẽ không phải bố trí kinh phí để xây dựng trụ sở, cơ sở hạ tầng và nhất là không phải bỏ chi phí thường xuyên để duy trì, sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa. Ngoài ra, khi đưa bộ phận một cửa về đặt tại bưu điện, nhân viên bưu điện cũng sẽ phối hợp với cán bộ công chức, viên chức tại quầy để thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. UBND các cấp chỉ cần bố trí một số lượng công chức, viên chức hợp lý chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ. Ðiều này không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, mà còn giúp cơ quan hành chính các cấp giảm tải được công việc để tập trung cho chuyên môn, sắp xếp lao động, tinh giản biên chế.
Hiện nay, việc thí điểm đưa bộ phận một cửa các cấp về đặt tại trụ sở của bưu điện đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương như Ðồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Ngãi,… Trong đó, riêng ở Ðồng Tháp, sau hai giai đoạn triển khai, tại thị xã Hồng Ngự và các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Lai Vung cũng như 23 đơn vị cấp xã của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, toàn bộ các TTHC thuộc các lĩnh vực người dân quan tâm như: lao động, y tế, giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, công thương, nội vụ, tài chính,… đã được thực hiện tại điểm giao dịch của bưu điện. Giám đốc Bưu điện tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Trung Dân cho biết: Trong năm 2018, đơn vị đã thực hiện tiếp nhận và chuyển phát gần 144 nghìn hồ sơ giải quyết TTHC. Theo thống kê nhanh, từ tháng 8 đến tháng 11-2018, riêng số lượng hồ sơ được thực hiện tại các địa điểm chuyển một cửa các cấp về bưu điện là gần 7.700 hồ sơ. Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Văn Dương cũng khẳng định: Việc đưa bộ phận một cửa các cấp về đặt tại trụ sở của bưu điện sẽ bảo đảm công tác giải quyết TTHC được kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch. Ðây rõ ràng là một giải pháp hiệu quả, đem lại bước đột phá trong công tác cải cách hành chính.
Theo Nhân dân điện tử