Sau 10 năm mở rộng, kinh tế quận Hà Đông phát triển vững chắc

Thứ tư, 30/05/2018 15:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của quận Hà Đông ổn định và liên tục phát triển.

Một góc quận Hà Đông-Ảnh: Minh Anh

Kinh tế liên tục phát triển

Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2008 của quận đạt 2.374 tỷ đồng, sau 10 năm-năm 2017 đạt 19.478 tỷ đồng, ước năm 2018 đạt 22.365 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25,14%/năm.

Giá trị hàng xuất khẩu năm 2008 đạt 15 triệu USD, năm 2017 đạt 68 triệu USD, ước năm 2018 đạt 78 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17,73%/năm. Hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của quận có nhiều tiến bộ. Quận đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật 14 ha phục vụ sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Hoà Bình (phường Yên Nghĩa) và Hợp tác xã Biên Giang (phường Biên Giang); xây dựng được 2 nhà sơ chế rau, quả. Tăng cường hỗ trợ các HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xây dựng các mô hình sản xuất gắn với phát triển dịch vụ nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển thông qua các mô hình trồng cam Canh, trồng hoa Ly, trồng hoa Đào, trồng Nấm... Các mô hình trên bước đầu có hiệu quả, tạo việc làm và nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.

Quận xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi mô hình hoạt động Hợp tác xã nông nghiệp sang dịch vụ tổng hợp nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.

Trong doanh thu thương mại - du lịch - dịch vụ, kết quả luôn có mức tăng trưởng khá. Năm 2008 đạt 4.357 tỷ đồng, năm 2012 đạt 19.148 tỷ đồng; năm 2017 đạt 54.443 tỷ đồng; ước năm 2018 đạt 62.830 tỷ đồng; bình quân mỗi năm tăng 33,02%. Giá trị hàng xuất khẩu năm 2008 đạt 950 nghìn USD, năm 2012 đạt 9,7 triệu USD; năm 2017 đạt 24,6 triệu USD, ước năm 2018 đạt 28,7 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 67,11%/năm.

Đặc biệt trong, thu chi ngân sách trên địa bàn, từ 2008-2017, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận đều vượt dự toán thành phố giao, năm 2012 thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước năm 2008 là 1.982 tỷ đồng; năm 2017 là 3.818 tỷ đồng; ước năm 2018 là 4.050 tỷ đồng; tốc độ thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 7,4%/năm.

Thu ngân sách toàn quận tăng bình quân 7,06%/năm, năm 2008 là 1.790 tỷ đồng, năm 2017 là 3.539 tỷ đồng; ước năm 2018 là 1.718 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư, từ năm 2008 đến hết năm 2017 đã có 156 dự án được UBND tỉnh Hà Tây và UBND thành phố Hà Nội cấp phép đầu tư trên địa bàn quận với tổng vốn đầu tư 56.499 tỷ đồng, quy mô diện tích 629,53 ha.

Về công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2008 đến hết năm 2017 trên địa bàn quận triển khai thực hiện 112 dự án (kể cả các dự án chuyển tiếp từ năm 2007 sang, các dự án đất dịch vụ được tính 1 dự án); diện tích 1.038,5 ha, liên quan gần 30 nghìn lượt hộ gia đình. Có 65 dự án đã được bàn giao mặt bằng, diện tích 685,6 ha; có 21,5 nghìn lượt hộ đã nhận tiền bồi thường; thực hiện chi trả được 2.435,5 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình.

Quản lý đô thị, quản lý đất đai chặt chẽ

Thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 21/4/2009 của Ban Thường vụ Quận uỷ Hà Đông về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đô thị, Chương trình số 04-CTr/QU ngày 04/4/2016 của Quận ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị và quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn quận Hà Đông giai đoạn 2015 - 2020” và kế hoạch số 34-KH/QU của Quận ủy về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy Hà Nội, quận Hà Đông đã kiểm tra 12.735 công trình xây dựng trên địa bàn; kết quả đã kiểm tra 12.735 trường hợp xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo (có 957 trường hợp vi phạm gồm: 421 trường hợp không phép, 536 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, không thông báo ngày khởi công, tập kết vật liệu). Kết quả xử lý vi phạm: vận động tự khắc phục 780 trường hợp, cưỡng chế 157 trường hợp, chuyển sang năm 2018 giải quyết 20 trường hợp.

Trong công tác quản lý đất đai, trong 10 năm, quận đã cấp mới 37.580 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhân dân, trong đó cấp được 98,75% giấy chứng nhận đất ở lần đầu. Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dịch vụ, quận đã cấp được 9.850 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dịch vụ trên địa bàn 11/13 phường có đất dịch vụ (Yên Nghĩa, La Khê, Phúc La, Kiến Hưng, Vạn Phúc, Phú Lãm, Đồng Mai, Mộ Lao, Dương Nội và Phú La). Còn lại 2 phường (Hà Cầu và Phú Lương) chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất chính thức hoặc chấp thuận mức giá khống chế nên chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quận Hà Đông nhận thấy một số hạn chế như công tác quản lý đô thị và bảo vệ môi trường còn một số tồn tại, bức xúc, nhất là vi phạm về trật tự xây dựng tại một số khu đô thị chưa được xử lý triệt để; việc triển khai các dự án đất dịch vụ chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Trong an ninh chính trị, tuy có nhiều cố gắng song vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp như tụ tập đông người gây mất trật tự nơi công sở vẫn xảy ra. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tuy đã có nhiều chuyển biến song còn những vấn đề bức xúc, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, GPMB…

Thời gian tới, quận hướng tới xây dựng trở thành đô thị với tốc độ phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững trên cơ sở đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, đi đôi với phát triển kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch; chú trọng quan tâm bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đồng thời nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; tạo chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)