Các lò gạch thủ công tại Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở ba huyện Hàm Yên (92 lò), huyện Yên Sơn (10 lò) và huyện Sơn Dương (26 lò) đều sản xuất theo dây chuyền thủ công, chỉ dùng than để nung đốt. Mặc dù UBND tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều văn bản quyết liệt, chỉ đạo thực hiện xóa bỏ lò gạch nung thủ công và tăng cường sử dụng vật liệu không nung nhưng trên thực tế, ở nhiều huyện chưa có giải pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng này.
Cụ thể, ngày 9-3-2016, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Văn bản số 481/UBND-XD phê bình UBND các huyện, thành phố trong việc quản lý, chỉ đạo thực hiện không nghiêm Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch, lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) trên địa bàn. Yêu cầu UBND huyện, thành phố tổ chức kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công theo đúng quy định, báo cáo kết quả thực hiện. Văn bản này cũng giao cho Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc xử lý các cơ sở sản xuất gạch nung vi phạm quy định trên địa bàn; báo cáo UBND tỉnh kết quả xử lý vi phạm và kế hoạch thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Đồng thời nêu rõ, trong quá trình thực hiện, trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết, UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng cơ quan liên quan báo cáo để xem xét, giải quyết kịp thời.
Ngay sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa và TP Tuyên Quang đã quyết liệt vào cuộc, vận động các chủ cơ sở sản xuất và người dân dừng sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp cho nên đến nay trên những địa bàn này không còn lò gạch thủ công hoạt động. Tuy nhiên, ở các huyện Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn thì hoạt động sản xuất gạch nung thủ công vẫn tiếp diễn, trong đó ở huyện Hàm Yên thì chẳng những không giảm mà còn tăng mạnh hơn: năm 2016 chỉ có 72 lò gạch thủ công thì năm 2018 tăng lên thành 92 lò.
Xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, hiện còn 78 lò gạch thủ công đang hoạt động. Đây là địa phương tập trung nhiều lò gạch thủ công nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Khi nung, các lò gạch nhả ra những cột khói trắng, mùi khét, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân sống quanh khu vực. Chị Bàn Thị Thuận, thôn An Thạch 2, xã Thái Sơn, bày tỏ, việc sản xuất gạch thủ công gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, không đủ khả năng đầu tư công nghệ hiện đại nên vẫn tiếp tục sản xuất theo phương pháp thủ công để tạo thu nhập. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Thái Sơn Bùi Mạnh Hùng cho biết: Theo lộ trình của UBND tỉnh Tuyên Quang trong năm 2017 phải chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công. Xã đã tuyên truyền cho các chủ lò và người lao động về những tác hại của việc đốt gạch bằng lò thủ công. Họ cũng nhận thức rất rõ về vấn đề này, nhưng xã không đủ điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân nên chính quyền xã cũng rất lúng túng, trăn trở, không biết xử lý lực lượng lao động này như thế nào.
Các lò gạch thủ công sử dụng nguyên liệu sản xuất chủ yếu là đất đồi. Một số cơ sở sử dụng đất tại chỗ, tạo ra những hố sâu gây sạt lở đất, mất an toàn đối với người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và nguồn tài nguyên đất. Trung bình mỗi lò gạch sau quá trình nung khoảng ba ngày hai đêm sẽ cho ra lò khoảng 10 vạn viên gạch. Với hàng trăm lò thì số lượng gạch sản xuất ra lớn, đồng nghĩa với việc hàng chục quả đồi bị san phẳng hoặc bị khoét sâu mỗi năm. Môi trường bị tàn phá nặng nề chỉ để cung cấp nguyên liệu làm gạch. Theo đồng chí Bùi Mạnh Hùng, công tác quản lý tài nguyên đất để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch tại địa bàn chưa chặt chẽ, gặp nhiều khó khăn. Do nguồn nguyên liệu đất tại chỗ đã cạn kiệt nên nhiều hộ sản xuất gạch mua ở nơi khác về làm. Nếu phát hiện người dân san gạt đất không có giấy phép, chính quyền xã sẽ lập biên bản, xử lý theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Trường Lâm, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh không cấp phép mỏ khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch cho đơn vị nào. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chưa tốt, do lực lượng thanh tra còn mỏng, khối lượng công việc nhiều. Khi vận chuyển đất để làm nguyên liệu sản xuất gạch, các chủ lò không vận chuyển cấp tập, cứ nay một xe, mai một xe, từ nhiều nơi đến, nên rất khó quản lý. Đất làm nguyên liệu để phục vụ cho các lò gạch thủ công chủ yếu do bên Sở Xây dựng nắm, lộ trình xử lý lò gạch cũng do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chính và là cơ quan chủ quản. Công tác quản lý việc san gạt đất đã phân cấp cho UBND xã, UBND huyện. Khi nào có báo cáo thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp để cùng xử lý.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Thắng cho rằng: về phía Sở Xây dựng cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp để quản lý đất đai, kiên quyết ngăn chặn khai thác tài nguyên đất trái phép để các lò gạch không có nguyên liệu sản xuất; xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt là của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Xây dựng chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, còn trách nhiệm quản lý địa bàn lại do UBND các huyện, các xã. Do chồng chéo cho nên rất khó xử lý vi phạm.
Việc xóa bỏ các lò gạch thủ công nhằm hiện đại nghề làm gạch, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang lại đang “đá quả bóng trách nhiệm” cho nhau, dẫn đến sự thiếu kiên quyết trong quản lý và xử lý hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người làm gạch chưa có sự hỗ trợ từ Nhà nước, thiếu sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền. Việc xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Theo Nhân dân điện tử