Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 800 công trình cấp nước tập trung được đầu tư từ kinh phí của các chương trình, dự án của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ... Ông Đặng Hùng Thụy, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Từ năm 2013 đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đầu tư xây dựng 83 công trình nước sinh hoạt, bể chứa các loại tại 139 xã, 1.430 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh theo Quyết định 582/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, từ năm 2014 - 2016, toàn tỉnh được hỗ trợ 106 tỷ đồng xây dựng 107 công trình nước sạch tập trung và hỗ trợ trên 6.000 hộ xây dựng bể chứa nước.
Ngoài ra, từ năm 2015 - 2018, Dự án NS&VSMT của ChildFund được triển khai tại 13 xã của 2 huyện Quảng Uyên, Trà Lĩnh. Đến nay, 2 huyện được hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp 9 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 1 điểm trường được xây dựng hệ thống cấp nước; 160 gia đình được hỗ trợ bồn nhựa chứa nước; 1.130 gia đình được hỗ trợ xây dựng bể lọc nước; 2.258 gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh; 295 gia đình được hỗ trợ di dời chuồng chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà ở; xây dựng 9 nhà vệ sinh, máng rửa tay cho các trường học; thành lập 9 tổ quản lý các công trình nước sạch… Kết quả, huyện Trà Lĩnh có 60,93% hộ, Quảng Uyên 93% hộ dân được tiếp cận NS&VSMT.
Cùng với việc đầu tư của Nhà nước, thời gian qua, toàn tỉnh có 10.355 hộ dân vay 112 tỷ 906 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng bể chứa nước, khoan giếng, mua đường ống dẫn nước, xây dựng mới công trình vệ sinh phục vụ cuộc sống. Chị Mông Thị Doóc, xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc (Quảng Uyên) chia sẻ: Thay vì gánh nước từng thùng như trước đây, cộng với lo lắng về chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh, từ năm 2014, gia đình tôi đã vay 8 triệu đồng từ Chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với tiền kiết kiệm của gia đình đầu tư khoan giếng. Từ ngày có giếng, sức khỏe gia đình tôi được đảm bảo, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.
Ông Bế Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm NS&VSMT cho biết: Việc vận hành, sử dụng hiệu quả các công trình nước sạch tập trung, bể chứa các loại tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển KT - XH địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng NS&VSMT.
Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 87% người dân nông thôn, 81,8% người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh; 47,5% hộ gia đình, 20,7% hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh; 68,7% trường học, 96,5% trạm y tế xã được cấp nước và có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư hơn 229 tỷ đồng mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh. Chương trình gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 có mức đầu tư hơn 215,7 tỷ đồng thực hiện 84 dự án cấp nước cho cộng đồng dân cư, cấp nước và vệ sinh cho các trường học; hợp phần 2 trị giá hơn 13,3 tỷ đồng thực hiện 46 dự án cấp nước và vệ sinh cho các trạm y tế xã.
Hy vọng cùng với việc vận hành, sử dụng hiệu quả các công trình nước sạch tập trung trước đó cộng với việc triển khai hiệu quả Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 - 2020 sẽ góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn, người nghèo, trường học, trạm y tế xã được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh lên trên 90% vào năm 2020.
Theo báo Cao Bằng