Không gian mới để Ðà Nẵng phát triển

Thứ năm, 02/01/2020 11:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Là đô thị lớn của nước ta, Ðà Nẵng sở hữu không gian hài hòa giữa biển - sông - núi, tạo cho thành phố trẻ nét riêng hấp dẫn. Sau những năm phát triển mạnh mẽ, Ðà Nẵng bắt đầu định hình cả về tiềm lực chính trị - xã hội, sức bật kinh tế và bản sắc đặc trưng cho kiến trúc của một đô thị năng động, hướng biển.

TP Ðà Nẵng ngày càng phát triển.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Về xây dựng và phát triển thành phố Ðà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ðà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, cải cách hành chính và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền trung.

Tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, đã xuất hiện các vấn đề trở thành lực cản đối với sự phát triển. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu bức thiết phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để Ðà Nẵng giải tỏa các điểm nghẽn về không gian phát triển, cân đối lại nguồn lực và khởi động một chu kỳ phát triển mới cho thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực.

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) có Nghị quyết số 43-NQ/TW Về xây dựng và phát triển thành phố Ðà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn.

Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đã mở ra cho Ðà Nẵng một không gian phát triển mới, không gian mở, chiến lược và các chính sách phát triển thành phố đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền trung, vùng bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung-Tây Nguyên và cả nước, "có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển khác không chỉ trong nước mà còn với các thành phố khác trong khu vực Ðông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương". Ðồng chí Huỳnh Ðức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng chia sẻ: Thực hiện tốt chức năng kết nối trong một không gian mở, Ðà Nẵng mới có cơ hội mở rộng quy mô kinh tế, dân số, thị trường...

Ngay sau khi có Nghị quyết 43-NQ/TW, Ðà Nẵng khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hàng loạt các hội nghị, hội thảo, thảo luận đánh giá quy hoạch chung của thành phố, với mục tiêu nhận được các ý kiến đóng góp, phân tích từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan Trung ương, các sở, ngành tại địa phương, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận… để lựa chọn phương án phù hợp nhất, bền vững nhất cho quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chuyên gia kinh tế người Mỹ, Maysho Prashad cho rằng, "nét kinh tế" riêng của Ðà Nẵng là kinh tế hộ gia đình, nền tiểu thủ công nghiệp có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Vì vậy, điều chỉnh quy hoạch cần bảo đảm phục vụ được hết cho lợi ích của tất cả các thành phần dân số khác nhau, cả người già lẫn nông dân.

Theo Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền trung việc quy hoạch phát triển thành phố cần chú trọng đến không gian xanh và bảo đảm môi trường trong tương lai. Ðể phát triển nhanh, bền vững, Ðà Nẵng cần thay đổi căn bản mô hình phát triển, trọng tâm là tập trung thực hiện đồng thời ba quá trình chuyển đổi lớn về mặt kinh tế, xã hội và quản trị đô thị. Ðà Nẵng nên xây dựng các khu đô thị mới riêng biệt, có sự cân bằng sinh thái hài hòa.

Thành phố đang nhận thấy rõ những "điểm nghẽn" cần vượt qua trên con đường phát triển, đó là quy hoạch đô thị dàn trải, nhỏ lẻ; nền kinh tế một thời gian dài phụ thuộc lớn vào đất đai; sức hút đầu tư vào công nghệ, công nghệ cao chưa tốt; công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch có phần buông lỏng, phát triển đô thị thiếu tính kết nối vùng với các địa phương lân cận. Vì thế, Ðà Nẵng xác định, cần chuyển đổi từ phương thức quản trị đô thị truyền thống, ít dựa vào công nghệ, sang phương thức quản trị đô thị thông minh; thí điểm chính quyền đô thị thông minh, kiến tạo phát triển nhằm điều hành tốt hệ thống kinh tế và xã hội, kết nối được các chủ thể từ người dân, các cộng đồng với khối doanh nghiệp, kết nối và liên kết vùng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng tới tăng trưởng nhanh.

Ðể thực hiện tốt Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ðà Nẵng xác định rõ năm lĩnh vực mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển là: Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Ðà Nẵng cũng đang hướng tới phát triển đồng bộ ba lĩnh vực cơ bản cho chất lượng cuộc sống đô thị, đó là: Y tế, với việc hình thành các bệnh viện hiện đại, đáp ứng yêu cầu của một thành phố sống tốt; giáo dục với chú trọng đào tạo nghề, giải tỏa điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực mũi nhọn; quan tâm đúng mức dịch vụ môi trường như là chức năng thiết yếu bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững…

Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Văn Giải Phóng, chuyên gia Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu Liên hợp quốc nhận định: Trong bán kính khu vực đô thị trung tâm, thành phố đã xác định 46 điểm nhấn kiến trúc và hiện đang tập trung xác lập 14 điểm nhấn kiến trúc để tạo cảnh quan, xây dựng bản sắc kiến trúc đô thị. Các điểm nhấn kiến trúc ưu tiên phát triển chiều cao không gian, chiều cao công trình đối với các tuyến cảnh quan ven sông, ven biển, cũng như các điểm nhấn trên các trục đường phố chính.

Thời gian tới, Ðà Nẵng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Ðà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Ðà Nẵng - Chu Lai Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Ðà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Ðà Nẵng - Ðiện Bàn - Hội An - Nam Hội An. Với quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, thành phố đang từng bước gỡ "điểm nghẽn", đột phá trong định hướng chiến lược phát triển; đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế; đưa Ðà Nẵng bước vào một chu kỳ phát triển mới ở tầm cao hơn, phát triển thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)