Năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh là 14,53% ( bình quân khu vực miền núi phía Bắc là 18,5%); tiếp đến các năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt là: 16,95%, 18,96% và 21%. Tỷ lệ tăng đô thị hóa của tỉnh cao hơn bình quân của cả nước. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh mới đạt 54,69% so với bình quân của cả nước ( tỷ lệ đô thị hóa của cả nước năm 2018 là 38,4%).
Về mặt thuận lợi, hiện nay tỉnh Hòa Bình được xác định nằm trong vùng thủ đô được Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh có các trục giao thông gắn kết với thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận cũng đã được phê duyệt như đường Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, vành đai 5, tuyến đường Hồ Chí Minh qua Hòa Bình, tuyến đường nối từ tuyến Ninh Bình - Lạc Thủy, cáp treo Hương Bình - Phú Lão. Các đô thị (thị trấn, thành phố) đã có quy hoạch chung được UBND tỉnh phê duyệt, tuy nhiên cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hiện nay hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đang được mở rộng; thị trường bất động sản nhà ở đô thị, nhà ở sinh thái có xu hướng phát triển. Có 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đề xuất các dự án lớn về du lịch, nhà ở, đô thị, công nghiệp, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của tỉnh.
Tuy nhiên khó khăn hiện nay là các đô thị của tỉnh đều có diện tích nhỏ, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn, quy mô và mật độ dân số đều không đạt các tiêu chí phân loại đô thị. Trong khi đó nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn hạn chế. Nhu cầu đầu tư hạ tầng là rất lớn, trong khi đó nguồn lực từ ngân sách đầu tư công đã phân bổ theo kế hoạch. Riêng nguồn vốn đầu tư hạ tầng đô thị theo mục tiêu cụ thể là rất khó, hiện chỉ thực hiện theo hướng lồng ghép là chính. Trong khi đó phương án kêu gọi, thu hút đầu tư khả dĩ nhất là hợp tác công tư lại đang vướng vì điều chỉnh của luật và nghị định. Vì vậy đầu tư hạ tầng theo hình thức BT đang chững lại. Việc thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là các lĩnh vực khó đem lại lợn nhuận như: xử lý CTR, nhà tang lễ, khu vui chơi, giải trí....Việc giải phóng mặt bằng tạo quý đất sạch gặp nhiều khó khăn, gây cản trở cho việc thu hút nhà đầu tư có tiềm năng để triển khai thực hiện dự án ngay.
Căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển đô thị của tỉnh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương để thực hiện giải pháp nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Sở Nội vụ và Sở Xây dựng đang phối hợp với các huyện rà soát kế hoạch phát triển đô thị cho từng đô thị để kịp thời bổ sung những nội dung phát triển đô thị bảo đảm thống nhất gắn với việc triển khai thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính trên địa bàn đến năm 2020, đặt mục tiêu hoàn thành vào quý IV năm 2019, bảo đảm có khoảng 50.000 người dân vào sống ở khu vực đô thị, đạt tỷ lệ dân số đô thị là 201.668/960.480 người theo quy định.
Nhiệm vụ cụ thể trước mắt là tập trung đầu tư nâng cấp và phát triển tại 3 đô thị hạt nhân gồm: thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Mai Châu nhằm kéo tỷ lệ đô thị hóa cả tỉnh đạt mục tiêu Nghị quyết và Chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Thành phố Hòa Bình, hiện tỷ lệ đô hóa là 74,33%, đến năm 2020 phấn đấu đạt 78%, đạt tiêu chí của đô thị loại II. Thành phố cần tập trung nguồn lực đầu tư đầu tư kế cấu hạ tầng, hoàn thiện hạ tầng các KCN Bờ trái thu hút lao động nông thôn, đẩy nhanh tiến độ cầu qua sông Đà; triển khai ngay các quy hoạch phân khu trên địa bàn, chú trọng trình UBND tỉnh phê duyệt phân khu Trung tâm Quỳnh Lâm.
Đô thị huyện Lương Sơn, tỷ lệ đô thị hóa hiện tại là 17,36%, kế hoạch đến năm 2020, tỷ lệ ĐTH đạt 39,29%, trong đó tập trung mở rộng thị trấn Lương Sơn theo quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Huyện Mai Châu tỷ lệ ĐTH hiện tại là 24,25%, kế hoạch đến năm 2020 là 35,71%, trong đó tập trung mở rộng thị trấn Mai Châu.
Đồng thời tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp như: Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị; huy động các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng đô thị; thu hút đầu các dự án phát triển đô thị và chương trình lớn chịu ảnh hưởng của vùng thủ đô Hà Nội, chú trọng các dự án lớn phát triển đô thị mới hoàn chỉnh và đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các công trình công cộng lớn; triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị, khuyến khích các dự án theo hình thức đối tác công tư…
Theo Hoabinh.gov.vn